Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, công tác quản lý nợ được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, do đó ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai đôn đốc thu, xử lý nợ thuế, giao chỉ tiêu thu tiền thuế nợ cụ thể đến các chi cục, các phòng liên quan và từng cán bộ phụ trách công tác quản lý nợ. Đồng thời duy trì việc thực hiện công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, phấn đấu đạt mục tiêu giảm số tiền nợ thuế xuống dưới chỉ tiêu của Tổng cục Thuế.
Tổng số nợ thuế của toàn tỉnh ước đến 30/6 là 969 tỷ đồng, nếu trừ đi số tiền nợ đang xử lý và tiền nợ đang khiếu nại thì tổng số nợ thuế là 705 tỷ đồng, chiếm 6% tổng số dự toán phấn đấu thu của năm 2020, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 0,9% so với thời điểm ngày 31/12/2019. Một số địa bàn có tỷ lệ nợ thuế tăng so với cùng kỳ và so với thời điểm 31/12/2019 là thành phố Ninh Bình, huyện Kim Sơn, huyện Yên Mô… Tính đến ngày 30/6, tổng số nợ thuế đã thu được 6 tháng đầu năm 2020 là 425 tỷ đồng, trong đó, thu hồi được số thuế nợ từ 31/12/2019 chuyển sang năm 2020 là 145 tỷ đồng; thu hồi được số nợ phát sinh năm 2020 là 280 tỷ đồng.
Theo ông Hà Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, công tác quản lý thu hồi nợ thuế trong 6 tháng đầu năm còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài tác động của dịch bệnh và các chính sách tài khóa của Chính phủ, số tiền chậm nộp của nhóm nợ khó thu vẫn tính 0,03%/ngày, do vậy số nợ này ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, hiện nay một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không mở tài khoản tại ngân hàng, kho bạc và các tổ chức tín dụng hoặc có mở tài khoản nhưng không để số dư hoặc không đăng ký với cơ quan thuế số hiệu tài khoản theo quy định. Một số doanh nghiệp lại mở nhiều tài khoản ở các ngân hàng trong và ngoài tỉnh. Bởi vậy, khi thực hiện được biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác hoặc yêu cầu phong tỏa tài khoản thì cơ quan thuế gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh, khó khăn về tài chính dẫn đến tình trạng sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nguồn tài chính hạn hẹp. Một số doanh nghiệp chỉ nộp được số thuế nợ, tiền chậm nộp chưa có khả năng nộp tiếp. Một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất mới, năng lực cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, chi phí đầu vào lớn, sản phẩm sản xuất ra chưa tiêu thụ được nhiều nhưng vẫn phải vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất dẫn đến thua lỗ, không có tiền để nộp ngân sách Nhà nước..
Với mục tiêu phấn đấu số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2020 không vượt quá 5% so với số thực hiện thu trong năm 2020, trong 6 tháng cuối năm Cục Thuế tỉnh sẽ triển khai đồng bộ, linh hoạt và có hiệu quả các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định. Trong đó, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong việc quản lý, thu hồi nợ đọng thuế. Rà soát, phân tích và phân loại nợ thuế, từ đó triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc, xử lý nợ. Đặc biệt cơ quan Thuế chú ý phân tích rõ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm động viên và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời theo dõi sát số tiền thuế được gia hạn để đôn đốc kịp thời số tiền đã hết thời hạn gia hạn nộp thuế. Để giảm áp lực về nợ thuế, ngành thực hiện đầy đủ, kịp thời Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế thuế. Công khai danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế phát hành, các doanh nghiệp chây ỳ không nộp tiền thuế đúng hạn lên các cơ quan thông tấn báo chí và trang tin điện tử của ngành.
Bên cạnh đó, sẽ phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Kho bạc nhà nước, ngân hàng để thu nợ thuế qua giải ngân thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo Chỉ thị 04 của Bộ Tài chính và Chỉ thị số 21/CT-UBND của UBND tỉnh Ninh Bình. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đề án "Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình" và một số đề án khác nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và quản lý triệt để nguồn thu phát sinh, chống thất thu ngân sách Nhà nước.
Bài, ảnh: Hồng Giang