Xác định mục tiêu phát triển KBNN đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng CNTT hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử, bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ nhiều năm nay, KBNN Ninh Bình luôn chú trọng công tác hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đưa công tác quản lý Quỹ ngân sách ngày càng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả.
Ngoài việc triển khai thành công Dự án Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) thuộc Dự án Cải cách quản lý tài chính công, KBNN Ninh Bình đã phối hợp với các đơn vị trong ngành Tài chính hoàn thiện việc triển khai dự án "Hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa cơ quan Thuế- Hải quan- KBNN". Dự án tổ chức phối hợp thu NSNN giữa các cơ quan trong ngành Tài chính với 5 ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT thông qua các hình thức phối hợp thu, ủy nhiệm thu NSNN, giao dịch điện tử thu qua máy chấp nhận thẻ (POS); thanh toán điện tử, thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương... tạo thuận lợi tối đa về thời gian đi lại, chi phí cho người nộp thuế, đồng thời tập trung nhanh được nguồn thu. Thời gian thực hiện giao dịch nộp NSNN còn khoảng 5 phút/giao dịch, rút ngắn so với trước đây là 30 phút và hạn chế thanh toán tiền mặt qua KBNN.
Việc ứng dụng thanh toán điện tử liên ngân hàng đã kết nối KBNN và các hệ thống ngân hàng, các món thu từ các hệ thống ngân hàng được chuyển đến KBNN để hạch toán thu NSNN đã góp phần tập trung nhanh nguồn thu NSNN, hỗ trợ KBNN hiện đại hóa công tác thu NSNN, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực trong công tác tổ chức thu NSNN, khắc phục cơ bản tình trạng chuyển chứng từ thu NSNN từ các ngân hàng thương mại về KBNN và các cơ quan thu bị thiếu hoặc sai thông tin; giúp các đơn vị theo dõi tình hình thu, nộp và hạch toán NSNN được nhanh chóng, chính xác, kịp thời và giảm thiểu thời gian, khối lượng nhập liệu tại các đơn vị có liên quan theo nguyên tắc: Dữ liệu được nhập ở một nơi và được sử dụng ở nhiều nơi, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị sử dụng NSNN và chủ đầu tư, từng bước cải cách, đổi mới mô hình hoạt động của KBNN, năm 2018 KBNN Ninh Bình đã tập trung cải tiến quy trình, nghiệp vụ cùng với triển khai mở rộng 3 dịch vụ công trực tuyến. KBNN đã triển khai có hiệu quả các hình thức thu, nộp NSNN hiện đại qua KBNN, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh toán không dùng tiền mặt qua KBNN.
Thông qua việc duy trì mô hình một cửa, một giao dịch viên, KBNN còn tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị giao dịch, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của khách hàng. Đồng thời, với việc công bố công khai, cập nhật, niêm yết kịp thời các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Việc tăng cường hướng dẫn, giải thích, cung cấp các thông tin về thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức giao dịch với KBNN đảm bảo mọi thủ tục đều được thuận tiện.
Từ tháng 2/2018 KBNN Ninh Bình đã chính thức vận hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hình thành thêm một kênh giao dịch điện tử, giúp cho công tác thanh toán chi ngân sách được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện cho các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ và các đơn vị thụ hưởng ngân sách.
Ngoài triển khai việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý Quỹ NSNN, KBNN Ninh Bình còn chú trọng ứng dụng CNTT trong việc quản lý nội bộ của ngành. Đến nay, mọi hoạt động nội bộ của đơn vị đều được ứng dụng tin học đã góp phần nâng cao chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị.
Việc triển khai các ứng dụng CNTT trong hoạt động KBNN đã rút ngắn thời gian thực hiện và đơn giản hóa nhiều khâu công việc, đẩy nhanh tốc độ xử lý và cải cách hành chính. Đồng thời, hình thành trung tâm dữ liệu tập trung tại KBNN là cơ sở cho việc tổng hợp, phân tích thông tin số liệu một cách nhanh chóng, chính xác, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành ngân quỹ Nhà nước hiệu quả, an toàn.
Mặt khác, giúp nâng cao năng lực trong nghiệp vụ chuyên môn cũng như tăng cường hiệu quả phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị, đặc biệt là các cơ quan trong ngành Tài chính, tạo thuận lợi trong việc phục vụ các đơn vị, doanh nghiệp và người dân.
Để KBNN trở thành Kho bạc điện tử vào năm 2020 theo Chiến lược phát triển KBNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống KBNN nói chung và KBNN Ninh Bình đang nỗ lực cố gắng triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình hành động của ngành, tập trung nguồn lực, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, trong đó tập trung vào việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cho các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước để đến năm 2020 cơ bản các đơn vị sử dụng NSNN sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giao dịch với KBNN.
Bùi Diệu