Tôi đi bán xe công nông
Ăn Tết Mậu Tý xong, đắn đo mãi, cuối cùng anh C (hàng xóm của tôi) cũng quyết định đem chiếc xe công nông của gia đình mình đi bán và tôi vội đi theo để đồng hành. Chuyến khảo sát thị trường mua - bán xe công nông khá thú vị.
Dọc Quốc lộ 1A từ thành phố Ninh Bình về thị xã Tam Điệp xuất hiện khá nhiều điểm thu mua phế liệu mọc lên ở ven đường. Phần lớn các điểm này chẳng có biển hiệu nhưng nhìn vào đó người ta cũng có thể biết được đây là những điểm mua xe công nông vì luôn có 4 - 5 chiếc xe, thậm chí có điểm còn lên đến cả chục chiếc công nông xếp hàng chờ... lên "lò mổ".
Dừng lại ở một điểm thu mua khá lớn ven đường thuộc địa phận xã Mai Sơn (Yên Mô), chúng tôi được chị D - chủ cửa hàng đon đả mời nước, rồi "bộc bạch": Có nhiều phương thức mua và giá cả cũng khác nhau. Nhưng nhìn chung là "vải nào, tiền nấy". Nếu bán "vo" có nghĩa là "nhìn mặt trả tiền" thì xe công nông của Thanh Hóa hoặc Ninh Bình sản xuất sẽ có giá hơn so với xe do Thái Bình, Nam Định sản xuất vì sắt của những loại xe này dầy hơn. Còn nếu bán "quạ" (cân cả chiếc) thì cứ 7.000 đồng/kg mà "dịch", bất kể xe cũ - mới, mấy ngày nay, lúc nào cửa hàng nhà tôi cũng có người đến chào mua. Xe bây giờ có làm được gì nữa đâu, tất cả đều được cắt ra... cân bán sắt vụn! Anh không bán sớm thì mấy nữa còn rẻ hơn vì xe càng để, càng rỉ.
Tại các điểm khác, đi đến đâu chúng tôi cũng được chào mời đon đả nhưng khi ngỏ ý muốn bán "quạ" thì nhiều người không mấy mặn mà, họ chỉ muốn mua theo phương thức "nhìn mặt trả tiền", nhất là đối với những xe còn mới. Theo các chủ cửa hàng thì xe nào quá "đát", ngay lập tức được "mổ" luôn để bán sắt vụn. Nếu "cắt, mổ" bằng công nghệ khí gas thì chỉ cần 2 công thợ trong một ngày là từng bộ phận của chiếc xe đã đâu vào đấy.
Sau một hồi suy tính, thâm nhập nhiều địa điểm mua xe, anh C cũng quyết định bán chiếc xe công nông máy 24, số to do hãng Mai Hoa (Thanh Hóa) sản xuất với giá 13,5 triệu đồng. Cầm số tiền trên tay, anh C chần chừ, đắn đo như chẳng muốn rời xa "bạn chiến hữu" của mình. Anh nói: "Lỗ nặng! Tôi mới mua xe cách đây gần hai năm với giá hơn 40 triệu đồng, chưa thu đủ vốn, giờ đã phải đem đi bán. Mấy hôm trước còn được người ta trả 15 - 16 triệu đồng... Rồi đây không biết tôi phải làm gì để kiếm sống nữa ".
Hậu xe công nông
Ngồi sau xe máy, anh C đưa tôi về nhà, không hiểu anh đang nghĩ gì, còn tôi chợt nghĩ: từ nay sẽ không thấy cảnh những chiếc xe công nông "cõng" trên lưng cả tấn hàng, chạy "bành bạch" trên đường, nhả khói đen xì, làm cho nhiều người tham gia giao thông kinh hoàng. Thế là, xe công nông chỉ còn trong tiềm thức nhiều người, và bây giờ ra đường không còn "sợ nhất công nông..."!
Xe công nông có vốn đầu tư thấp, dễ vào được các ngõ ngách, rất hữu dụng trong vận tải ở những địa hình dốc, phức tạp. Vì thế, nhiều gia đình đã mua xe công nông để làm dịch vụ, chuyên chở nông sản, phân bón, vật liệu xây dựng... Từ nhiều năm nay xe công nông đã gắn bó và đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế ở nhiều vùng nhất là khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, công nông phần lớn là xe tự chế, thông số kỹ thuật thấp, hại đường, gây ô nhiễm môi trường và cũng đã có không ít vụ tai nạn giao thông thảm khốc do những chiếc xe này gây ra. Vì vậy, Chính phủ đã có quyết định cấm lưu hành xe công nông. Song, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống một bộ phận người dân. Anh H, chủ xe công nông ở phường Tân Bình (thị xã Tam Điệp) cho biết: Chỉ cần có xe công nông thì quanh năm suốt tháng cũng không hết việc, nhưng từ khi có lệnh cấm trên một số tuyến đường thì những người có xe chỉ dám chạy quanh quẩn bán kính vài cây số. Còn nay, khi có lệnh cấm hẳn thì rất nhiều người băn khoăn vì bán xe cũng đồng nghĩa với thất nghiệp.
Quả thật, xe công nông như "cần câu cơm" thực sự đối với nhiều gia đình và việc "xóa sổ" loại phương tiện này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của không ít người. Bên cạnh đó, không còn xe công nông cũng sẽ tạo ra một khoảng trống trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều nông dân cho rằng: Để làm một sào lúa, phải chi phí cày bừa, giống má, phân bón, thuốc trừ sâu... cả vốn lẫn lãi nằm trọn trong 200 - 250 kg thóc/sào (nếu được mùa); thuê xe công nông chở lúa ngoài đồng về, mỗi sào mất 15 đến 20 nghìn đồng, cả chủ lẫn nhà xe đều chịu được.
Nay cấm xe công nông thì chỉ còn biết quay lại cảnh 3 - 4 người còng lưng, hì hục kéo, đẩy một chiếc xe cải tiến hoặc xe bò chở lúa... Để thay thế xe công nông, Nhà nước đã có chính sách ưu tiên cho mỗi hộ kinh doanh vận tải công nông khi chuyển đổi sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi 9 triệu đồng. Theo giá cả hiện nay, một chiếc xe ôtô nhẹ do Công ty Trường Hải sản xuất có giá không dưới 100 triệu đồng, trong khi đó trước đây, người ta chỉ cần 30 - 40 triệu đồng là đã mua được một chiếc xe công nông hoạt động được. Như vậy, việc tìm được một chiếc xe tải nhẹ để thay thế xe công nông quả là một bài toán khó đối với nhiều người dân nghèo.
Đinh Ngọc