Từ những năm 2003-2004, sự hợp tác này được thể hiện rõ nét và có kế hoạch cụ thể thông qua "chiếc cầu nối" là Hội Nông dân các cấp từ tỉnh xuống cơ sở.
Đồng chí Đoàn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Năm 2003, sau khi điều lệ Hội được bổ sung nhiệm vụ "tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân", Hội Nông dân tỉnh đã mạnh dạn tìm kiếm và ký kết các chương trình phối hợp hoạt động với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, sau đó triển khai kế hoạch đến các cấp hội cơ sở. Việc làm này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của cán bộ, hội viên vì vào thời điểm đó mối liên hệ giữa người nông dân với doanh nghiệp còn khá rời rạc, đa số nông dân còn bị động trong việc tìm đến doanh nghiệp, ngược lại các doanh nghiệp cũng chưa có phương thức hiệu quả để tạo lòng tin với nông dân.
Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình được coi là đi tiên phong trong việc hợp tác và đến nay vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng người nông dân thông qua các chương trình mua phân bón trả chậm và cử cán bộ xuống cơ sở tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm cho bà con. Vào thời điểm có nhiều biến động về giá cả như hiện nay, nhiều doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn với hình thức bán trả chậm, tuy nhiên Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình vẫn duy trì việc bán trả trước 30%, nợ 70%. Chỉ tính riêng trong vụ mùa năm 2008, Công ty đã cung cấp 1.500 tấn phân bón trả chậm cho hội viên nông dân. Lợi ích về kinh tế mà người dân nhận được đã quá rõ ràng, tuy nhiên điều quan trọng hơn cả là họ giải quyết được sự lo lắng khi không còn sợ mua phải hàng giả ngoài thị trường. Có được sự hợp tác chặt chẽ đó là do thời gian qua các cấp hội đã đứng ra tín chấp, tạo được uy tín trong thực hiện thanh, quyết toán, không có nợ quá hạn. Cán bộ hội đi đến từng nhà để thu tiền, nhiều khi còn phải tự ứng trước để đảm bảo trả cho Công ty đúng thời hạn. Số tiền hoa hồng mà những cán bộ này nhận được có lẽ cũng chỉ đủ tiền xăng xe.
Lĩnh vực được đánh giá là gặp nhiều khó khăn nhất trong chương trình hợp tác là việc cung cấp giống lúa mới cho bà con bởi độ rủi ro khá cao, do đó việc lựa chọn nhà cung cấp yêu cầu phải có trách nhiệm cao và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nông dân. Nhiều người dân xã Thượng Hòa (Nho Quan) vẫn chưa quên vụ mùa vừa qua với việc sử dụng khoảng 1 tạ giống lúa cao sản Misơn 4 do Doanh nghiệp Tuyết Lưu cung cấp, hứa sẽ mang lại năng suất và hiệu quả cao. Tuy nhiên, ngay khi vừa đem vào gieo trồng, giống lúa này đã bị hỏng, tạo tâm lý nghi ngại cho bà con. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân được biết trong quá trình sản xuất người dân chưa áp dụng chuẩn kỹ thuật, về phía Công ty cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Trước thực tế đó, Hội đã phối hợp với Doanh nghiệp thống kê lại số giống bị hỏng và kịp thời đền bù cho người dân với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Tuy gặp một số khó khăn, thiếu sót trong việc hợp tác nhưng với tinh thần trách nhiệm cao như vậy sẽ có những cái "bắt tay" bền chặt giữa doanh nghiệp và người nông dân.
Ngoài ra, thông qua chương trình hợp tác đã có nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhiều làng nghề được hình thành và phát triển tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông nhàn như: Dự án trồng nấm rơm ở xã Khánh Trung, Khánh Hồng (Yên Khánh), làm đồ gốm ở Yên Thành (Yên Mô)... Các doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ đào tạo nghề mà còn phụ trách cả việc bao tiêu sản phẩm. Hoạt động xuất khẩu lao động cũng đang được đánh giá là một kênh mới để góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. 9 tháng đầu năm, Hội phối hợp với công ty Colecto mở 7 lớp tư vấn xuất khẩu lao động cho 356 đối tượng hội viên thuộc 9 xã nghèo của huyện Nho Quan. Hiện nay nhiều dự án hợp tác mới đang tiếp tục được triển khai hứa hẹn sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, còn một lĩnh vực hợp tác gần như đang bị bỏ ngỏ đó là việc nhiều doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp chưa phối hợp chặt chẽ để đào tạo nghề cho nông dân bị thu hồi đất và sử dụng nguồn lao động dồi dào này một cách hiệu quả.
Duy Hiền