Mặc dù được lãnh đạo Hội Cựu chiến binh xã Đông Sơn dẫn đường nhưng ngoằn nghèo mãi, qua bao con đường đồi dốc quanh co, chúng tôi mới đến được nhà ông Năm gần cuối xã Đông Sơn. Trong cái nắng quái của buổi chiều tháng 8, hai vợ chồng ông Nam vẫn chăm chỉ làm hết việc này đến việc khác. Từ nhổ cỏ cho các luống rau mới trồng, bắc giàn cho những cụm dưa leo, đến cắt tỉa các cây đào phai chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán và cả tranh thủ thu hoạch những quả na đã mở mắt chín trên cây.
Tiếp xúc với ông Năm nhận thấy, đó là người nông dân chân chất thật thà, mang tinh thần không ngại khó, ngại khổ của một người lính Cụ Hồ, nên đầy tình yêu lao động và sự lạc quan trong cuộc sống. Ông Năm kể, ông từng sinh sống trong gia đình rất khó khăn tại huyện Yên Mô. Cuộc sống nghèo khó khi gia đình đông anh chị em, lại không có đất đai, công việc ổn định có thể phát triển kinh tế. Nên sau khi xây dựng gia đình, vợ chồng ông quyết tâm đi vùng kinh tế mới tại thành phố Tam Điệp để tìm hướng làm giàu.
"Năm 1988, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, xây dựng gia đình, tôi không biết phải làm ăn như thế nào và bắt đầu từ đâu, bởi đất đai ở quê không rộng, muốn phát triển cây trồng, con nuôi cũng khó. Tôi bàn cùng vợ và khăn gói từ Yên Mô lên vùng kinh tế mới Tam Điệp lập nghiệp. Tôi có suy nghĩ, khi đã quyết tâm và đã có sức người thì "đất cằn cũng cho trái ngọt", nên vợ chồng động viên nhau cùng chăm chỉ cày cuốc, phát hoang, tìm hướng phát triển các cây, con phù hợp để lập thân, lập nghiệp..." - ông Năm chia sẻ.
Năm 1990, ông Năm được vay 500 nghìn đồng từ nguồn vốn vay cho hộ nghèo của xã. Với số vốn ít ỏi, ông Năm tính toán và trồng gối vụ các loại cây trồng phù hợp trên diện tích đất hơn 7 nghìn m2. Từ trồng đậu tương để nhanh cho thu hoạch, sau đó ông gối vụ vào các loại cây trồng khác như cà chua, mướp đắng, rau xanh các loại... Đặc biệt, nắm bắt thực tế thị trường, thấy nhiều loại cây, rau cho thu hoạch cao và khan hiếm vào những thời điểm trái vụ, ông Năm trồng thử nghiệm, sau đó đưa vào trồng đại trà nên cho lãi lớn. Đồng thời, ông nuôi thêm các loại con nuôi dễ chăm sóc như bò, gà, lợn..., vừa có thể tận dụng được rau, củ trồng được, vừa không phải đầu tư kỳ công trong chăm sóc, từ đó đạt hiệu quả cao trong phát triển mô hình cây, con tổng hợp. Bình quân mỗi năm, trừ chi phí các loại, mô hình trồng trọt và chăn nuôi của ông Phạm Hữu Năm, thôn 8, xã Đông Sơn cho thu lãi trên 100 triệu đồng.
Xuất phát là hộ nghèo của xã, bằng ý chí và nghị lực, phát huy bản chất người lính Cụ Hồ, gia đình ông Phạm Hữu Năm đã nỗ lực vươn lên, trở thành một trong số hộ đi đầu về phát triển kinh tế giỏi tại địa phương. Gia đình ông Năm cũng là hộ điển hình trong việc hưởng ứng tham gia gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo do UBND tỉnh Ninh Bình phát động. Ông Năm có suy nghĩ, trong tình hình dịch bệnh khó khăn hiện nay, giúp một người khác có vốn đầu tư phát triển kinh tế thoát nghèo như mình thì sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều, nên vợ chồng ông quyết định dành số tiền trên 1,3 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, để tạo lập nguồn vốn giúp nhiều người vay thoát nghèo và làm giàu.
Ông Đỗ Xuân Tuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đông Sơn cho biết: Trên địa bàn xã Đông Sơn hiện có hàng chục mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, mô hình của ông Phạm Hữu Năm được đánh giá cao về tính bền vững và sự nỗ lực vươn lên từ nghèo khó, trở thành điển hình của xã, được suy tôn ở nhiều cấp, nhiều ngành từ Trung ương đến địa phương. Hơn nữa, ông Năm cũng là người phát huy tinh thần của người lính và vì cộng đồng, khi tham gia gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng có lãi suất thấp, giúp người nghèo được vay vốn ưu đãi. Tại địa phương, ông Năm cũng giúp nhiều người dân trên địa bàn về cây giống, đầu tư vốn trả chậm. Mỗi năm, ông cung cấp 10 nghìn cây giống các loại cho bà con trả chậm không tính lãi và hỗ trợ về kỹ thuật, đồng hành cùng người dân có nhu cầu phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo tại quê hương...
Bài, ảnh: Đức Bá