Nhưng từ tháng 11 năm 2014, trên địa bàn thành phố Ninh Bình xuất hiện những "bóng hồng" xinh xắn, duyên dáng làm nhiệm vụ điều tiết giao thông tại các ngã ba, ngã tư vào giờ cao điểm. Sự góp mặt của những nữ cảnh sát giao thông với tuổi đời còn rất trẻ đã khiến cho công việc mà trong tâm thức của nhiều người "mặc định" phải là nam giới này đã làm "mềm hóa" tình hình trật tự giao thông tại các điểm nóng về giao thông, nhất là những nơi giao cắt tuyến Quốc lộ 1A trên địa bàn.
Thiếu úy Phạm Mỹ Hạnh, một trong 13 cô gái của đội cảnh sát giao thông Ninh Bình còn rất trẻ, với vẻ bẽn lẽn khác hẳn với thái độ cương quyết khi làm nhiệm vụ, cô tâm sự về công việc của mình: Lúc mới bắt đầu nhận công việc ai cũng bỡ ngỡ, ngượng ngùng vì phải đứng lên trên bục giữa bao nhiêu người với bao nhiêu ánh mắt tò mò vì lạ, vì lần đầu tiên có nữ làm cảnh sát giao thông. Sau một thời gian cũng quen dần, thấy gắn bó và yêu nghề hơn, hôm nào không được xuống đường là thấy như thiếu thiếu cái gì đó. Những nữ cảnh sát giao thông có nhiệm vụ điều hành, hướng dẫn giao thông tại các cụm đèn tín hiệu giao thông vào các giờ cao điểm trong ngày, mỗi người làm 1 ngày 3 ca (từ 6h-8h sáng; 10h-12h trưa và từ 16h-18h chiều). Với những động tác uyển chuyển, nhịp nhàng nhưng không kém phần dứt khoát những nữ cảnh sát giao thông đã làm cho những người tham gia giao thông dường như thân thiện và bớt áp lực hơn. Hạnh cho biết thêm: Lúc đầu khi chúng em mới nhận nhiệm vụ, thường xuyên phải có các anh nam giới cùng phối hợp vì sợ mọi người chưa quen, dễ bị bắt nạt, trêu trọc...Nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân thành phố cũng khá cao, do đó chỉ một thời gian ngắn là chúng em đã có thể chủ động được công việc một mình. Điều chúng em vui nhất là sau 3 tháng bắt tay vào công việc, được lãnh đạo thông báo tỷ lệ người dân vi phạm vượt đèn đỏ giảm hẳn tại các nút giao thông có nữ tham gia. Chắc họ cũng thương chúng em không thể đuổi bắt được như những anh nam giới khác- Hạnh cười vẻ tinh nghịch. Hạnh bảo lịch làm việc 3 ca một ngày như trên cũng chưa phải lịch cứng vì có những hôm mất điện hay những dịp lễ, Tết, mật độ tham gia giao thông tăng cao việc đứng khoảng 4, 5 tiếng đồng hồ "làm thêm giờ" cũng không phải hiếm.
Trung sĩ Đỗ Thị Minh Hà vừa lau những giọt mồ hôi trên trán khi vừa hoàn thành ca trực vừa trải lòng mình về nghề: Có những ngày nghỉ lễ, các phương tiện tham gia giao thông đông, ùn tắc kéo dài, em phải mất cả tiếng đồng hồ giữa ngã tư để phân làn, hướng dẫn giao thông. Về đến nhà thấy mệt nhoài, chân tê cứng nhưng vẫn thấy vui vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ, giao thông được thông suốt, người dân không phải khổ sở do tắc đường. Cũng theo trung sỹ Hà, phần lớn các ca làm việc rơi vào khoảng thời gian cơm nước, chợ búa nên cũng có nhiều cái khó: Buổi trưa, khi em kết thúc ca trực về đến nhà thì cả nhà cũng đã ăn cơm xong, lại phải ngồi ăn một mình. Buổi chiều thì làm vào đúng giờ cơm nước, chợ búa nên lại đành nhờ bố mẹ làm hộ. Sau này khi đã có gia đình riêng không biết là nhờ ai hộ được...- Hà nói.
Khi tôi hỏi những nữ cảnh sát giao thông tuổi đời còn rất trẻ, hầu hết chưa lập gia đình rằng "đứng đường" làm nhiệm vụ như thế có sợ ảnh hưởng đến sắc đẹp không, tất cả đều có chung một câu trả lời như trung sỹ Đỗ Thị Minh Hà: Có chứ ạ, con gái mà, ai chẳng muốn mình xinh đẹp nhưng tất cả chúng em đều đặt nhiệm vụ lên trên hết. Cũng có hôm trời nắng quá thì bôi tí kem chống nắng, mà đen một tí cũng không sao, miễn là khỏe. Còn với gia đình, mọi người đều thông cảm và ủng hộ hết sức để chúng em hoàn thành nhiệm vụ. Càng ngày em càng thấy yêu nghề và gắn bó với nghề hơn, mỗi ngày được xuống đường là một niềm vui và chúng em luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ để khẳng định rằng: Phụ nữ cũng có thể làm tốt công việc của cảnh sát giao thông.
Những nữ cảnh sát giao thông tâm sự, mặc dù công việc mệt mọi, căng thẳng và nhiều áp lực nhưng niềm vui của họ đơn giản chỉ là câu chào của một cháu bé khi bố mẹ đưa xe máy đi qua dừng tại đèn đỏ "Cháu chào cô cảnh sát giao thông!" hay những cụ già đi bộ qua hỏi "Có mệt lắm không cháu"...
Đức Quỳnh