Đồng chí Hoàng Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Khánh Vân cho biết: Trong thời gian thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã có trên 20 lớp tập huấn về các lĩnh vực sản xuất thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Các HTX những năm gần đây tích cực phối hợp với phòng nông nghiệp, các doanh nghiệp tổ chức nhiều buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa nông dân trực tiếp thăm quan và học các mô hình cây con mới có hiệu quả. Các tổ chức hội, đoàn thể đã phối hợp với trung tâm dạy nghề, phòng nông nghiệp phát triển nông thôn mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho lao động nông nghiệp. Bên cạnh đó có khá đông người lao động ở xã làm việc ở khu công nghiệp, doanh nghiệp được các doanh nghiệp đào tạo.
Toàn xã có 27 mô hình sản xuất tiên tiến, 5 mô hình liên kết sản xuất; có 8 trang trại, 34 gia trại, 78 mô hình đạt giá trị sản lượng bình quân 100-250 triệu đồng/ trang trại (gia trại)/năm. Đã hoàn thành dồn điền đổi thửa từ năm 2014 với số thửa bình quân còn 2,6 thửa/hộ, giảm 2,2 thửa/hộ so với trước. Toàn xã có 65 máy làm đất các loại tăng 38 máy so với năm 2011 và 18 máy gặt đập liên hoàn, tăng 5 máy so với năm 2011, đến nay đã chủ động hoàn toàn về khâu điều tiết nước và làm đất bằng máy và cơ bản thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân.
Trên địa bàn xã có 68 hộ sản xuất kinh doanh, chủ yếu là hoạt động dịch vụ; có 3 doanh nghiệp tư nhân hoạt động dịch vụ, bán hàng; 1 xưởng may gia công với 20 lao động; 1 hợp tác xã nấm 22 thành viên; 2 HTX nông nghiệp; 20 tổ thợ nề với hơn 300 lao động có tay nghề; 15 hộ làm mộc với hơn 200 lao động. Các dịch vụ như vận chuyển hàng hóa, làm đất, vật tư nông nghiệp, xay xát, hàn xì, nhôm kính phát triển. Thu nhập của lao động từ các nghề, các cơ sở kinh doanh đạt từ 3-5 triệu đồng/tháng. Số lao động làm việc tại các Công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tới 830 người có thu nhập bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/tháng, có 10 người đi xuất khẩu lao động. Trên địa bàn xã có 1 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 26 hộ mở cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ trải đều ở 14 khu dân cư, các cửa hàng cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân, khu vực xóm 3 Vân Tiến đang là trung tâm phát triển thương mại của xã phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân địa phương... Kết quả rà soát, đánh giá thu nhập năm 2017, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt trên 33 triệu đồng/năm, tăng so với năm 2010 là 11,8 triệu đồng/năm, đến năm 2020 phấn đấu đạt 50 triệu đồng/năm.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến nay, Khánh Vân đã huy động được 160.990,83 triệu đồng, bao gồm: 8.400 triệu đồng là vốn ngân sách nhà nước, chiếm 5,22%; 11.090 triệu đồng là vốn tín dụng, chiếm 6,89%; 4.060 triệu đồng là vốn của doanh nghiệp, chiếm 2,52%; 137.440,83 triệu đồng là vốn của nhân dân, chiếm 85,37% (nhân dân tự bỏ vốn đầu tư, xây dựng, chỉnh trang nhà, phát triển sản xuất 124.000 triệu đồng, chiếm 77,02%; góp làm đường giao thông 4.921,19 triệu đồng; công lao động 17.988 công, quy thành tiền là 2.772,23 triệu đồng; hiến 4.499,5 m2 đất tương đương với 190,67 triệu đồng; góp thực hiện dồn điền đổi thửa là 1.298,8 triệu đồng, hiến đất 4,83 ha tương đương 241,5 triệu đồng; góp làm nhà văn hóa thôn 1.778 triệu đồng). Việc huy động nhân dân đóng góp vào xây dựng nông thôn mới đều đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, hợp với sức dân; các hộ nghèo, hộ chính sách được miễn giảm…Sau gần 7 năm triển khai thực hiện, đến nay về cơ bản 19/19 tiêu chí nông thôn mới Khánh Vân đã hoàn thành. Tuy nhiên vẫn còn những hạng mục của một số tiêu chí còn dang dở và đang tiếp tục hoàn chỉnh hoàn thiện: Một số đoạn đường giao thông thôn xóm, nhà văn hóa xã, 1 nhà văn hóa thôn...Khánh Vân sẽ phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2017.
Đinh Chúc