Đến những năm 1990, phong trào hát chèo xã Khánh Trung phát triển rộng khắp, 21/21 thôn đều có đội chèo, CLB chèo. Diễn viên các đội chèo đều là nông dân. Dân xã Khánh Trung mê hát chèo lắm. Với đặc trưng của chèo là hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng. Chèo miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn. Các tích trò chủ yếu lấy từ truyện cổ tích, truyện dân gian, ca vũ nhạc từ dân ca vũ; lời thơ chủ yếu là lờ thơ dân gian. Trong đó, chất trữ tình luôn gắn chặt với chèo, thể hiện những cảm xúc và tình cảm của con người, phản ánh mối quan tâm chung của nhân loại như tình yêu, tình bạn, tình thương. Sân khấu chèo thường ở sân đình hay nhà văn hóa thôn, xóm nên rất gần với đời sống, sinh hoạt của người dân nông thôn, do đó sự tiếp nhận giá trị nghệ thuật trong các vở diễn được các diễn viên "chân đất" thực hiện rất nhanh, thuần thục.
Chị Phạm Thị Thêu, Chủ nhiệm CLB chèo xóm 3, người đang được đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân chèo dân gian cho biết: Trước thực trạng khó khăn trong bảo tồn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, bản thân tôi cùng các thành viên trong CLB đang nỗ lực truyền dạy cho các chị, các anh, những người yêu chèo trong thôn, trong xã, đặc biệt chú trọng truyền dạy các thế hệ trẻ ở địa phương và trong các nhà trường trên địa bàn xã. Tôi đang cùng với Trường THCS Khánh Trung tập luyện cho đội văn nghệ truyền thống của nhà trường biểu diễn nhuần nhuyễn 5 làn điệu chèo cổ theo dự án "Sân khấu học đường" mà Trường đã triển khai cách đây 2 năm. Từ những làn điệu này, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng đa dạng các thể loại chèo cổ kết hợp với chèo hiện đại, phù hợp với lứa tuổi học sinh, giúp các em hiểu và yêu nghệ thuật chèo mà cha ông đã để lại.
Đồng chí Phạm Xuân Điển, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết: Đối với nghệ thuật chèo là thế mạnh của xã trong đẩy mạnh các phong trào văn hóa văn nghệ địa phương, tạo sự gắn kết trong mối đoàn kết nhân dân trong xã, góp phần xây dựng và phát triển phong trào "Toàn dân đoàn kết đời sống văn hóa". Hàng năm, xã đầu tư hàng chục triệu đồng cho nghệ thuật chèo địa phương. Cùng với sự đầu tư mạnh mẽ từ công tác xã hội hóa, chèo Khánh Trung luôn duy trì tốt và phát triển trong tốp đầu phong trào văn nghệ của huyện. Để lưu truyền nghệ thuật truyền thống của dân tộc, xã chú trọng phát triển hạt nhân trong đội ngũ thanh, thiếu niên, hướng mạnh tới các nhà trường, đặc biệt nhân rộng đào tạo, giảng dạy chèo trong Trường THCS.
Bài, ảnh: Hồng Vân