Ông Phạm Văn Chiều, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Khánh Thành cho biết, hiện Hội có 454 hội viên, trong đó chủ yếu là cựu chiến binh sau năm 1975. Hầu hết, sau khi xuất ngũ, các cựu chiến binh đều tham gia sản xuất nông nghiệp tại địa phương, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các cựu chiến binh đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả, góp phần xây dựng quê hương Khánh Thành ngày càng phát triển.
Để minh chứng cho nghị lực vươn lên thoát nghèo của các cựu chiến binh, ông Phạm Văn Chiều, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Khánh Thành đưa chúng tôi tới thăm gia đình cựu binh Phạm Văn Ruyệt, là một trong những cựu binh thuộc diện hộ cận nghèo cuối cùng đã chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Khi chúng tôi tới thăm, ông Ruyệt không có nhà. Con trai ông là Phạm Văn Trung đang thay ông thu hoạch ổi xuất bán cho thương lái. Anh Trung cho biết, trước đây, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Cho tới năm 2015, sau thực hiện dồn điền đổi thửa, với hơn 2 mẫu ruộng ở gần nhà, bố anh đã được thụ hưởng dự án "chuyển đổi cơ cấu cây trồng" của tỉnh. Theo dự án này, gia đình được hỗ trợ giống ổi Đài Loan. Hơn 200 gốc ổi được chăm sóc đúng quy trình, khoa học, nên đã sinh trưởng, phát triển tốt.
Chỉ sau một thời gian, vườn ổi đã cho thu hoạch. Có ngày cao điểm, gia đình bán vài tạ ổi, với mức giá trung bình từ 15-18 nghìn đồng/kg. Nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình từng bước được cải thiện. Đến nay, tôi cũng không đi làm ăn xa nữa, mà ở nhà cùng phụ bố chăm sóc vườn ổi, ao cá. Hiện nay, bố con tôi còn trồng thử nghiệm 2 sào rau trong nhà lưới, hứa hẹn cho giá trị cũng cao như trồng ổi...
Vươn lên phát triển kinh tế không chỉ nhằm cải thiện kinh tế cho gia đình mà còn là để có thêm nhiều cơ hội được chia sẻ, giúp đỡ những người đồng đội có hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên. Đó là tâm niệm của nhiều cựu chiến binh, trong đó có cựu binh Hoàng Văn Hà.
Vợ chồng ông Hà ra quân từ năm 1991, cả hai ông bà về công tác tại trạm y tế xã. Nhưng cuộc sống quá khó khăn khi lần lượt bà sinh 3 người con, vì vậy, cả hai ông bà quyết định nghỉ việc tại Trạm y tế để làm nghề tự do. Tuy vậy, cuộc sống của gia đình ông Hà cũng không thể dư dả khi phải chăm lo cho cả 3 đứa con đang tuổi đến trường.
"Nếu chỉ trông vào nguồn thu nhập từ bán hàng tạp hóa thì cuộc sống sẽ khó được cải thiện. Vì vậy, tôi quyết định cải tạo vườn tạp để trồng giống ổi Đài Loan. Với hàng trăm gốc ổi, hiện nay, mỗi ngày tôi có thu nhập từ 500 nghìn đồng trở lên. Kinh tế ổn định, tôi có thêm điều kiện để chia sẻ, giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn."- ông Hà cho biết.
Những hội viên có kinh tế ổn định như ông Hà rất tích cực trong các hoạt động giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo theo chương trình của Hội Cựu chiến binh. Theo đó, hàng tháng, các hội viên cùng tham gia đóng góp, tạo nguồn vốn nhất định cho các hội viên có nhu cầu vay đầu tư phát triển sản xuất với mức lãi suất ưu đãi.
Ông Phạm Văn Chiều, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Khánh Thành cho biết thêm: Hội Cựu chiến binh xã cũng chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, tạo điều kiện cho hội viên tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế. Hội nhận ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội quản lý số vốn trên 3 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 150 hộ gia đình hội viên vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hàng năm, Hội Cựu chiến binh xã phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở lớp tập huấn, tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình kinh tế, hộ sản xuất giỏi ở trong và ngoài huyện, tỉnh. Từ đó, giúp hội viên nâng cao kiến thức, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều hội viên đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, toàn Hội có trên 60 mô hình kinh tế phát triển mạnh như trồng rau củ an toàn, trồng cây cảnh, trồng cây dược liệu, trồng đào, nuôi ong lấy mật… Đặc biệt, toàn Hội không còn hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, góp phần giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Khánh Thành.
Đào Hằng