Khánh Thành là xã nằm ở phía Đông Nam của huyện Yên Khánh, cách trung tâm huyện 15 km, có diện tích đất tự nhiên 7,64 km2, diện tích đất nông nghiệp 512,4 ha. Đồng chí Phạm Văn Dân, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Toàn xã có 1.902 hộ, 8.201 khẩu, trong đó có 12% dân số theo đạo Công giáo. Đảng bộ xã có 390 đảng viên, sinh hoạt ở 27 chi bộ. Liên tục 22 năm liền Đảng bộ xã đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Chính quyền xã nhiều năm là đơn vị vững mạnh. Mặc dù là xã vùng sâu, vùng xa, gần như là xã thuần nông của huyện, nhưng trong những năm gần đây kinh tế của xã có nhiều khởi sắc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,5%/năm, trong nông nghiệp có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất lúa hàng hóa và năng suất lúa hàng năm đạt bình quân 128 tạ/ha. Sản xuất vụ đông đang dần trở thành vụ sản xuất chính với diện tích cây vụ đông năm 2010 đạt 70-80% diện tích đất 2 lúa và là đơn vị dẫn đầu của huyện về trồng cây vụ đông. Công tác dồn điền đổi thửa được thực hiện triệt để, từ 3,5 thửa/hộ còn 1,39 thửa/hộ. Trên địa bàn xã có 1 bến xe khách; 1 nhà máy gạch tuynel công suất 20 triệu viên/năm, giải quyết việc làm cho 150 lao động với mức lương 2,5 triệu đồng/người/tháng; 2 cơ sở may tư nhân, thu hút 300 lao động với mức lương từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Xã đã có 18/19 xóm có nhà văn hóa. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác quốc phòng địa phương luôn được đảm bảo.
Đầu tư xây dựng cơ bản được chú trọng, đã thu hút được nhiều dự án về địa bàn xã với tổng nguồn vốn ước đạt trên 100 tỷ đồng. Trên địa bàn xã có 1 km đường liên tỉnh, 6 km đường liên xã, 12 km đường trục xã quản lý và hơn 20 km đường liên thôn đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Từ năm 2007, hệ thống điện hạ áp nông thôn được bàn giao cho Chi nhánh điện huyện Yên Khánh và đã được đầu tư xây dựng 8 trạm biến áp, thay dây trần bằng dây cáp vặn xoắn với giá trị đầu tư tới 20 tỷ đồng. Mới đây, nhà máy nước sạch cũng đã được khởi công xây dựng với giá trị công trình hơn 19 tỷ đồng. Về trường học, nhân dân đóng góp trên 2 tỷ đồng xây 3 trường học và trạm y tế xã, hiện đều đạt chuẩn Quốc gia. Công tác bảo vệ môi truờng, thu gom rác thải được quan tâm tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn xã. Điều đáng ghi nhận là khi xây dựng đường 481C đi qua Khánh Thành 6 km, có 870 hộ của xã bị ảnh hưởng, nhưng 100% số hộ đều tự giác chấp hành giải phóng mặt bằng. Khi xây dựng 5 tuyến đường ngang dài gần 4.800 m có 228 hộ bị ảnh hưởng với diện tích đất thu hồi là 9.594 m2, 13.450 cây ăn quả, 2.800 cây lấy gỗ phải hủy bỏ, nhưng nhân dân không đòi hỏi chế độ đền bù mà tự giác nhường đất, chặt cây, mở rộng đường để nhân dân đi lại thuận lợi.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cũng cho rằng: Xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh những thuận lợi còn có không ít khó khăn nên cần có sự đầu tư về trí tuệ, công sức và tài chính. Việc huy động nguồn lực từ dân là cần thiết, nhưng không phải dễ, phải vận dụng nhiều hình thức khác nhau, coi trọng phát huy dân chủ thực hiện đúng phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Đối chiếu với 19 tiêu chí của Trung ương ban hành, Khánh Thành đã đạt được 7 tiêu chí, 6 tiêu chí cơ bản, còn lại đạt thấp. Các tiêu chí: Quy hoạch, cơ sở hạ tầng, kinh tế và phát triển kinh tế… mới ở tỷ lệ thấp. Điều đó đồng nghĩa với việc việc xây dựng NTM ở Khánh Thành sẽ còn nhiều khó khăn. Khánh Thành phấn đấu đến năm 2014, về cơ bản sẽ đạt được các tiêu chí của Trung ương đề ra và mong muốn Nhà nước có sự ưu tiên, hỗ trợ kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư về địa bàn nông thôn, nhất là ở lĩnh vực chế biến nông sản, nhằm giải quyết việc làm cho lao động dư thừa ở nông thôn.
Đinh Chúc