Năm 2004, thực hiện chủ trương xây dựng và mở rộng khu công nghiệp Ninh Phúc, xã Khánh Phú đã bị thu hồi 308,53 ha đất, trong đó có 261,01 ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm trên 90% diện tích sản xuất của toàn xã) và đã có 3.250 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp do không còn đất để canh tác. Trên cơ sở phân loại lao động và nhu cầu về việc làm, Khánh Phú đã tập trung tổ chức các hình thức dạy nghề, giải quyết việc làm như: Tạo điều kiện thuận lợi để các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương được đào tạo và liên kết đào tạo nghề cho người lao động có nhu cầu; tổ chức chuyển giao KHKT các mô hình kinh tế mới trong sản xuất nông nghiệp; tư vấn cho người lao động tự lựa chọn học nghề, tìm việc làm phù hợp...
Một số nghề chủ yếu đã đào tạo cho người lao động như: nghề thêu ren, đan móc sợi, đan hộp bẹ chuối, bèo bồng, mây tre đan, may công nghiệp...
Sau 4 năm triển khai, toàn xã đã có 2.088 người được dạy nghề, chuyển giao tiến bộ KHKT và đã có trên 1.670 lao động được giải quyết việc làm. Cơ cấu lao động trong các ngành được chuyển dịch đúng hướng và từng bước được đào tạo, đào tạo lại theo hướng chuyên môn hóa, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Khánh Phú chỉ còn 6,7% (giảm 3,1% so với năm 2004)...
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp: HTX Nấm Khánh Phú, doanh nghiệp tư nhân sản xuất cói xuất khẩu Thành Hóa, HTX thêu Ngọc Bích... và đại diện một số đoàn thể, người lao động phát biểu tham luận, đề xuất các giải pháp, kiến nghị với các ngành chức năng trong việc tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn bị thu hồi đất.
Đinh Ngọc