Từ một xã thuần nông, khi bước vào thực hiện nhiệm vụ giải quyết việc làm cho lao động ở lĩnh vực phi nông nghiệp, Khánh Phú gặp không ít khó khăn. Được sự quan tâm của tỉnh, của huyện, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm ở địa phương được quan tâm sát sao thông qua các chủ chương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế. Với sự hỗ trợ và các chính sách của tỉnh, xã đã thành lập 5 HTX nghề gồm: HTX tiểu thủ công nghiệp, HTX thêu Ngọc Bích, HTX sản xuất đá mỹ nghệ, HTX dịch vụ mộc và cơ khí và HTX nấm nhằm tạo điều kiện cho các lao động được học nghề và có việc làm ngay tại địa phương.
Các HTX được tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ lãi suất trong 2 năm, được hỗ trợ mặt bằng, cơ sở vật chất trong khu công nghiệp. Đặc biệt, HTX nấm được hỗ trợ kinh phí 800 triệu đồng, người nông dân tham gia sản xuất nấm được dạy nghề, hỗ trợ làm lán trại, giống nấm và bao tiêu sản phẩm làm ra… Do đó, các mô hình HTX được thành lập đã phù hợp với nhu cầu việc làm của nhiều lao động địa phương. Đối với người lao động, nhiều chính sách của tỉnh, của huyện được triển khai nhanh chóng, kịp thời, giúp họ chuyển đổi ngành nghề, tìm việc làm phù hợp thông qua thực hiện chính sách miễn tiền học phí đối với lao động đi đào tạo nghề tại các trường nghề của tỉnh, miễn từ 50-100% tiền đào tạo do các nhà máy trong khu công nghiệp đào tạo. Ưu tiên xét tuyển dụng một số lao động vào làm việc tại các nhà máy trong khu công nghiệp. Tùy theo diện tích bị thu hồi, 2.452 lao động trong độ tuổi được hỗ trợ tiền đào tạo nghề…
Để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm, xã đã thành lập ban chỉ đạo, triển khai công tác hàng năm một cách cụ thể trên cơ sở làm tốt công tác khảo sát nhu cầu người học nghề, là nơi gắn kết nhu cầu người lao động và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Hàng năm, trên cơ sở nắm chắc tình hình, phân loại đối tượng, đối với lao động đã học nghề hoặc đang học nghề, xã lập danh sách cụ thể, có địa chỉ, số điện thoại gửi đến các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Với số lao động có nhu cầu làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, lập danh sách gửi Phòng Việc làm và Sàn giao dịch việc làm (Sở LĐTB & XH). Đối với những lao động chưa được đào tạo, chưa có việc làm, nếu có nhu cầu học nghề thì đề nghị dạy nghề ngắn hạn…
Để giúp người lao động có thể tìm hiểu, lựa chọn đúng ngành nghề, công tác tuyên truyền, tư vấn, định hướng cho lao động được xã chỉ đạo các đoàn thể quan tâm thực hiện tốt. Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, các lớp dạy nghề may công nghiệp, nghề hàn, cơ khí… là những nghề được nhiều lao động lựa chọn.
Kết quả qua công tác tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhiều lao động đã tìm được việc làm phù hợp như: lao động học nghề may đã được nhận vào làm tại các doanh nghiệp may Nienhsing, may Hàn Quốc, may Hoàng Thắng, Levis có mức lương mỗi tháng từ 2,5- 3,5 triệu đồng/người; lao động học nghề hàn, cơ khí được nhận vào làm việc ổn định tại HTX mộc, cơ khí, các doanh nghiệp Hòa Khánh, Chiacheng, ADM2… với mức lương từ 3,5 - 4 triệu đồng/người…
Đến nay, toàn xã có 28,3% lao động có việc làm ổn định, 44,7% lao động có việc làm nhưng không ổn định và 631 lao động chưa có việc làm. Bên cạnh đó, nhu cầu học nghề của người lao động từng bước được đáp ứng: đã có 1.081 người đã học nghề, còn 1.576 người chưa qua học nghề và 315 người có nhu cầu học nghề…
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động địa phương những năm qua ở xã Khánh Phú đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế của xã. Tuy nhiên, số lao động có việc làm chưa ổn định, số người chưa qua đào tạo nghề vẫn còn nhiều…
Thực tế những năm qua cho thấy, năng lực của các HTX nghề còn yếu, nên sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, chưa giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương có nhu cầu tìm việc gần nhà. Một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao nên nhiều lao động ở Khánh Phú không thể đáp ứng được, không trụ lại với công việc.
Đặc biệt, đối với lao động ở độ tuổi trên 40, cơ hội nghề nghiệp hết sức khó khăn do nhận thức chậm, việc học nghề không hiệu quả nên không thể tham gia tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn phải kể đến một số trường hợp tham gia học nghề nhưng không theo làm nghề vì thu nhập thấp, còn có thái độ trông chờ, ỷ lại, không tự lực vươn lên…
Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định tiếp tục tăng cường công tác quản lý về lao động, nắm chắc tình hình lao động để làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch phát triển ngành nghề đảm bảo tính lâu dài, bền vững, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, Khánh Phú cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức lại các hình thức dạy nghề, thực hiện các dự án có hiệu quả… nhằm giải quyết hiệu quả việc làm cho người lao động địa phương, góp phần làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Lý Nhân