Theo chị Đinh Thị Thái, HTX Yên Lạc, xã Khánh Hồng, không cần phải đi đâu xa, cứ bám ruộng, bám đất là cũng có cuộc sống ổn định, đủ đầy. Bởi làm nhà nông thời buổi bây giờ không còn quá vất vả, phần lớn các công việc vất vả đã được cơ giới hóa, còn lại người nông dân chỉ cần sự cần cù, chăm chỉ và đặc biệt là phải thích ứng và áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật vào canh tác. Gia đình chị chỉ có 5 sào ruộng màu nhưng thu nhập mỗi năm một tăng. Trên diện tích 5 sào đất, chị Thái quay vòng 4 vụ/năm, bằng việc trồng dưa các loại như dưa chuột, dưa lê, dưa Kim Hoàng hậu, thêm một số loại rau thơm, bí xanh, mướp Nhật… Chị cho biết, qua vài vụ thâm canh các loại cây trồng mới, giá trị đạt được gấp đôi, thậm chí là gấp 3 lần so với trồng lúa. Với 5 sào ruộng, tích cực chuyển đổi cây trồng theo mùa vụ, mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi cũng có lãi cả trăm triệu đồng, không phải đi làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp.
Đồng chí Đỗ Quang An, Chủ tịch UBND xã Khánh Hồng cho rằng, với lợi thế đồng đất phù hợp để sản xuất các loại cây rau màu, do đó trong sản xuất nông nghiệp, xã đã chỉ đạo bà con nông dân đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, tích cực tiếp thu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt nhằm tăng giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác. Đảng ủy, UBND xã cũng xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương nên đã tập trung lãnh đạo nhân dân kết hợp phát triển mô hình trồng rau sạch và các cây trồng vụ đông. Xã đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích 180 ha, quy hoạch diện tích trồng rau an toàn 60 ha. Đặc biệt là vụ đông, Khánh Hồng đã mạnh dạn đưa vào sản xuất trên 100 ha cây dưa các loại như dưa chuột, dưa lê, dưa kim hoàng hậu, các loại rau su hào, bí đao, mướp đắng…, đặc biệt thử nghiệm những loại dưa mới cho giá trị kinh tế cao, từ đó giá trị mỗi sào rau, dưa cho thu nhập từ 12-15 triệu đồng/vụ. Cùng với đó, xã chỉ đạo người dân thực hiện phương thức luân canh tăng vụ, trên diện tích gần 200 ha đất màu và đất lúa - màu, người dân đã luân canh tăng vụ tới 4 lần/năm. Các loại cây màu như rau, dưa đều được phát triển thành cây hàng hóa nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp của Khánh Hồng tăng lên theo từng năm, đến nay giá trị sản xuất ước đạt 150 triệu đồng/ha/năm.
Không chỉ phát triển về nông nghiệp, trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xã cũng đa dạng hóa các ngành nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Hiện, toàn xã có 9 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, thủ công mỹ nghệ, may mặc, tạo việc làm cho gần 700 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 2-4 triệu đồng/lao động/tháng. Cùng với đó, xã cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho người dân, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Từ năm 2012 đến nay, Ban chỉ đạo thực hiện đề án 1956 của xã đã phối kết hợp với các cấp hội, đoàn thể như: Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên xã và các trường nghề, doanh nghiệp trong huyện, trong tỉnh tổ chức 15 lớp dạy nghề đan hàng tiểu thủ công nghiệp, may mặc và chăn nuôi cho gần 500 học viên trong xã. Sau đào tạo, hầu hết các lao động được giới thiệu việc làm hoặc tự kiếm việc làm với mức thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi; đưa các giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất đại trà, kinh tế của Khánh Hồng từng bước phát triển. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2016 của xã đạt trên 10.760 tấn, chăn nuôi đạt 750 nghìn con nuôi các loại... Giá trị ngành nghề TTCN và dịch vụ ước đạt 53 tỷ đồng/năm. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29 triệu đồng/người/năm, năm 2017 ước đạt 31 triệu đồng/người/năm… Có nguồn thu nhập ổn định, nhân dân tích cực chỉnh trang nhà cửa, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt hiện đại; đồng thời đóng góp công sức, tiền của duy trì các tiêu chí đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng chí Đỗ Quang An, Chủ tịch UBND xã Khánh Hồng cho biết thêm, để không ngừng nâng cao giá trị kinh tế trên ha canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân, chủ trương của xã chỉ đạo nông dân tiếp tục thâm canh rau màu theo hướng bền vững, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, xã tiếp tục xây dựng, quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa theo lợi thế, chủ lực và mang tính chiến lược, chuyển dịch cơ cấu sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Chú trọng phối hợp với các cấp, các ngành mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, xây dựng mối liên kết 4 nhà, từng bước xây dựng thương hiệu rau an toàn trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh dịch vụ, ngành nghề trên địa bàn phát triển, tạo việc làm cho lao động địa phương, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2017.
Bài, ảnh: Hạnh Chi