UBND tỉnh đã tổ chức các hội nghị bàn và thống nhất nhiều giải pháp cụ thể để khắc phục các tồn tại, khó khăn nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tiếp theo. Kết quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong quý III đạt 12,64%. Tính chung 9 tháng năm 2022 đạt 8,32%.
Như vậy là sau 9 tháng của năm 2022, bằng nhiều giải pháp tích cực, chủ động, quyết liệt, kinh tế của tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát triển. Công nghiệp, dịch vụ, du lịch phục hồi và có bước phát triển khá.
Sản xuất công nghiệp trong tháng 9/2022 trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong tháng tăng hơn 10% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng đạt hơn 72.353 tỷ đồng, bằng 66,2% kế hoạch năm, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 9/2022 đạt gần 3,42 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2021; lũy kế 9 tháng tăng 66,8%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2022 đạt gần 2.500 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc được tổ chức. Lượng khách đến các điểm thăm quan, du lịch và lưu trú, ăn uống tăng cao.
9 tháng năm 2022 đạt 2,78 triệu lượt khách, vượt 11,2% so với kế hoạch năm và tăng gấp 3,0 lần so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 1,95 nghìn tỷ đồng, vượt 10,5% so với kế hoạch và tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp được mùa cả về trồng trọt, chăn nuôi, dự báo tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp đạt và vượt chỉ tiêu....
Những kết quả phát triển kinh tế xã hội 9 tháng năm 2022 đã đạt được khẳng định hướng đi đúng của tỉnh và các giải pháp đề ra là trúng và hiệu quả, càng củng cố thêm niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thời gian của năm 2022 không còn nhiều, song nhiệm vụ lại rất nặng nề.
Năm 2022 được tỉnh ta xác định là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch 5 năm (2021-2025); là năm hành động và quyết tâm tạo bước đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển của cả giai đoạn 2020- 2025. Do vậy, chủ trương của tỉnh Ninh Bình là lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Điều đó đòi hỏi các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung được đề ra trong chương trình công tác năm và các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, đồng thời tích cực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất.
Đổi mới công tác xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án lớn, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững. Tập trung triển khai thực hiện 16 công trình, dự án trọng tâm theo Nghị quyết của Tỉnh ủy; giải quyết các khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục, giải phóng mặt bằng để sớm triển khai các dự án.
Thực hiện nghiêm các quy định về giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn các dự án chậm giải ngân sang các dự án giải ngân tốt, có khả năng hấp thụ cao, còn nhu cầu vốn. Tăng cường quản lý, kiểm soát không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh việc đấu giá giá trị quyền sử dụng đất tạo nguồn lực cho ngân sách tỉnh thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa mùa để sản xuất vụ đông, mở rộng các vùng chuyên canh tạo ra các sản phẩm cây trồng an toàn có giá trị kinh tế cao và có đầu ra ổn định. Tích cực phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; chủ động phòng, chống bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, liên doanh, liên kết, xây dựng kế hoạch, phương án phục hồi và phát triển các ngành dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ để phát triển du lịch.
Tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; rút ngắn thời gian phối hợp giải quyết hồ sơ; công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động tiếp nhận, giải quyết TTHC thông qua Bộ phận một cửa các cấp, đặc biệt là các TTHC trong lĩnh vực đất đai, hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đẩy mạnh phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội, tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ Giáo dục- Đào tạo năm học 2022 -2023 theo kế hoạch. Tăng cường công tác phòng, chống, giám sát các loại dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19. Chú trọng công tác đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với người có công, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. Làm tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương.
Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Với tinh thần quyết tâm cao và bằng các giải pháp cụ thể, đồng bộ, đúng, trúng, hiệu quả, nhất định tỉnh Ninh Bình sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2022 đã đề ra.
Nguyễn Đông