Các trà mùa trung và mùa muộn đang vào giai đoạn cuối của đẻ nhánh đến làm đòng... Tuy vậy, hiện nay ở một số địa phuơng đã xuất hiện một số đối tượng dịch hại trên lúa mùa, có thể nói là khá nghiêm trọng, nhất là sâu đục thân lúa.
Theo báo cáo, toàn tỉnh có đến 18.388 ha bị sâu đục thân phá hoại cần phải phòng trừ, trong đó huyện Gia Viễn có 4.301,8 ha; Yên Mô có 3.500 ha, Nho Quan có 3.150 ha, Hoa Lư 2.501 ha; thành phố Ninh Bình 1.112,7 ha; Kim Sơn 401,5 ha và thành phố Tam Điệp 205 ha.
Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng như các huyện, thành phố đang khẩn trương đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt diễn biến của thời tiết và diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại để kịp thời phòng trừ, bảo vệ lúa mùa.
Trên địa bàn huyện Nho Quan, một số đối tượng dịch hại đang phát sinh và gây hại trên các trà lúa mùa là: sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy các loại và chuột… có khả năng lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất.
Qua kiểm tra đã phát hiện đối tượng sâu đục thân 2 chấm lứa 5 loại trưởng thành đang tiếp tục nở rộ, mật độ nơi cao 0,5- 1,5 con/m2, cá biệt có chỗ phát hiện được 2-3 con/m2.
Trứng sâu phát hiện trung bình 0,3 ổ/m2. một số nơi cao có 1-3 ổ/m2. Sâu non tuổi 1 đang rộ, mật độ nơi cao 2-3 con/m2.
Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, hiện cả loại sâu trưởng thành và sâu non đang rộ. Đây là đối tượng gây hại cho trà lúa muộn giai đoạn đòng non, phân hóa.
Trước tình hình trên, để bảo vệ lúa mùa, huyện Nho Quan đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT cũng như Trạm bảo vệ thực vật hướng dẫn các HTX và bà con nông dân tập trung phun trừ sâu đục thân 2 chấm từ ngày 22-8 trở đi trên trà lúa mùa trung, lúa trỗ đến đâu phun đến đó.
Tính đến ngày 28-8, các HTX đã chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương phun trừ được 2.200ha đối với sâu đục thân và hơn 200 ha đối với sâu cuốn lá nhỏ. Một số xã đã cơ bản phun trừ xong như: Sơn Thành, Yên Quang, Phú Sơn, Xích Thổ…..
Các xã khác như Văn Phú, Phú Lộc, Sơn Hà đang tích cực phun trừ theo tốc độ lúa trỗ. Trên trà lúa mùa muộn phun lần một từ ngày 25-8 đến ngày 3-9 và phun lần hai từ ngày 10 đến 17-9.
Cùng với đó, huyện còn tiếp tục chỉ đạo diệt chuột bằng các biện pháp thủ công trên đồng ruộng, kết hợp phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn ở những nơi có mật độ sâu và tỷ lệ bệnh cao. Đồng thời, quản lý, điều tiết hợp lý các nguồn nước để tạo điều kiện cho lúa mùa làm đòng, trỗ bông thuận lợi.
Tại huyện Hoa Lư, đồng chí Bùi Duy Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến nay các trà lúa mùa trên địa bàn đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến làm đòng. Nhìn chung, lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy vậy, qua kiểm tra đồng ruộng cho thấy đang xuất hiện một số đối tượng gây hại các trà lúa.
Cụ thể là sâu non sâu đục thân lúa 2 chấm lứa 4 đã gây hại trên các trà lúa, đặc biệt gây hại nặng ở những xã ven núi, gần nguồn lúa chét. Mật độ trung bình 0,9 con/m2; nơi cao 3-5 con và cá biệt có nơi 10-30 con/m2 như ở xã Ninh Hải, Trường Yên, Ninh Hòa, Ninh Mỹ, Ninh Xuân. Hiện tại lứa sâu đục thân 5 trưởng thành đang ra, mật độ nơi cao 0,1-0,2 con/m2.
Trong thời gian tới lứa sâu này tiếp tục ra rộ, cộng với lứa sâu non nở rộ từ nay đến 15-9 sẽ gây hại rộng trên các trà lúa trỗ từ đầu tháng 9 trở đi. Nếu không phòng trừ kịp thời, nhiều diện tích lúa bị hại nặng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa mùa.
Đối với loại rầy nâu và rầy lưng trắng, trên đồng ruộng Hoa Lư, hiện tại lứa rầy cám lứa 6 đang nở rộ, mật độ trung bình 250 con/m2, nơi cao có 500- 1.000 con/m2, cá biệt có nơi phát hiện thấy khoảng 2.000 con/m2.
Đối với sâu cuốn lá nhỏ, hiện tại sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành lứa 6 đang ra rộ, mật độ nơi cao có 3-5 con/m2, trứng sâu đã xuất hiện, mật độ nơi cao 30-50 quả/m2. Trong thời gian tới, lứa sâu cuốn lá nhỏ non sẽ nở rộ gây hại cục bộ trên những diện tích gieo thẳng và diện tích lúa trỗ sau ngày 10-9, làm sơ, trắng bộ lá đòng của cây lúa.
Ngoài ra, chuột, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn cục bộ… cũng đang là các đối tượng tiếp tục hại lúa mùa.
Để phòng trừ dịch hại, bảo vệ lúa mùa, huyện Hoa Lư đã chỉ đạo các xã, thị trấn, cán bộ khuyến nông, các HTX và bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa trỗ, theo dõi thời tiết và diễn biến của các loại đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.
Các HTX nông nghiệp cung ứng đảm bảo đủ thuốc, đúng chủng loại phục vụ kịp thời bà con nông dân phun trừ các loại sâu bệnh theo hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Trạm bảo vệ thực vật huyện.
Kết hợp vừa tập trung phun, trừ dịch hại với chăm bón theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa. Đối với sâu đục thân lúa 2 chấm, tập trung phun trừ trên những ruộng có mật độ ổ trứng từ 0,3 ổ/m2 trở lên khi sâu non nở rộ.
Những ruộng có mật độ từ 01 ổ trứng/m2 trở lên phải phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 5-7 ngày. Thời gian phun phòng trừ từ 27-8 đến 15-9 và sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Prevathon 5SC; Voliam Targo 063SC; Virtako 40WG; Tasodant 600EC; Victory 585EC…
Các loại sâu rầy nâu, rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ tiến hành phun vào thời gian và dùng thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, kỹ thuật.
Kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã nhất trí với các biện pháp phun trừ dịch hại, bảo vệ lúa mùa của các huyện, đồng thời đề nghị các địa phương cần nhắc nhở bà con nông dân lưu ý để "lách" thời tiết khi tiến hành phun trừ.
Theo dự báo, từ 28-8 đến 3-9, Bắc bộ có mưa to đến rất to trên diện rộng. Do vậy, khi phun trừ, bà con nên chọn thời tiết thích hợp, sao cho khi phun xong phải đảm bảo khoảng 3-5h không bị mưa, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc.
Có thể thấy, việc phun trừ dịch hại bảo vệ lúa mùa đang được các địa phương khẩn trương thực hiện theo Công điện chỉ đạo số 01 ngày 24-8-2015 của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Một số địa phương phía nam tỉnh như: Kim Sơn, Yên Mô, thành phố Tam Điệp... hiện đang khẩn trương chỉ đạo các HTX và bà con nông dân tiến hành phun trừ để bảo vệ lúa, đảm bảo cho vụ mùa thắng lợi.
Bài, ảnh: Nguyễn Đông