Các đại biểu dự lễ khai mạc. Ảnh: MQ
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu khai mạc lễ hội.
Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh trống khai hội.
Dự lễ khai mạc có các đồng chí: Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, UVT.Ư Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an; Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; Thường trực HĐND tỉnh; Lãnh đạo UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã và đông đảo người dân về dự lễ hội.
Diễn văn khai mạc lễ hội do đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDK T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh trình bày đã ôn lại lịch sử hào hùng và công lao to lớn của triều đại nhà Đinh, Tiền Lê với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Diễn văn nhấn mạnh: Cố đô Hoa Lư- di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp thống nhất quốc gia, xây dựng Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam của Đinh Tiên Hoàng đế. 1.047 năm trước, sau khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã lên ngôi Hoàng đế, lập nên triều đại nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chọn Hoa Lư làm kinh đô.
Trải qua 42 năm tồn tại, Kinh đô Hoa Lư là nơi diễn ra và chứng kiến những biến cố trọng đại của đất nước, gắn liền với sự nghiệp thống nhất giang sơn, phá Tống, bình Chiêm và phát tích quá trình định đô Thăng Long- Hà Nội của ba triều đại liên tiếp Đinh- tiền Lê- Lý.
Những giá trị truyền thống và hào hùng của cố đô Hoa Lư vẫn sáng mãi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, còn in đậm trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt hôm nay và lưu truyền cho muôn đời con cháu mai sau.
Lễ hội Trường Yên được hình thành sau khi đức Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long. Theo sử sách còn ghi lại, lễ hội Trường Yên đều được các vương triều phong kiến Việt Nam coi là một lễ trọng, một quốc lễ, đến ngày diễn ra lễ hội, các triều đình đều cử các quan đại thần về cố đô Hoa Lư tham dự và làm chủ tế. Để có được một hình thức và quy mô lễ hội như hiện nay là cả một quá trình mà trong đó hòa quyện những sự kiện lịch sử, truyền thuyết dân gian giữa truyền thống và hiện đại.
Lễ hội Trường Yên được tổ chức với các hoạt động nhằm ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của cha ông, là bài học về truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Đồng thời cũng là dịp để chúng ta tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các bậc tiên đế, các bậc tiền nhân, động viên các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục giữ gìn, phát huy tô thắm thêm truyền thống ngàn năm văn hiến của quê hương, đất nước và để cho cố đô Hoa Lư sống mãi với thời gian và lịch sử.
Lễ hội Trường Yên là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, làm giàu và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của địa phương. Lễ hội Trường Yên còn phản ánh đậm nét, sinh động, lan tỏa và cộng hưởng giá trị lịch sử quan trọng về ý thức quốc gia, ý thức thống nhất đất nước, cần được khơi dậy và phát huy trong thời đại ngày nay.
Chính vì lẽ đó, lễ hội Trường Yên cùng cố đô Hoa Lư trở thành một bộ phận quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO cộng nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Cuối năm 2014 lễ hội Trường Yên được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc tham gia lễ hội đã trở thành một nhu cầu chính đáng của nhân dân, có ý nghĩa lớn lao. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã và đang tập trung nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của cố đô Hoa Lư nói chung, lễ hội Trường Yên nói riêng để xứng đáng là di sản quốc gia và di sản thế giới.
Sau lễ khai mạc là chương trình văn nghệ đặc sắc và trình diễn hoa đăng.
Trước đó, ngay từ sáng sớm đã diễn ra lễ mở cửa đền, lễ rước nước theo các nghi thức truyền thống, lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, Các hoạt động phần hội như: thi đấu bóng chuyền, thi vật dân tộc, cờ người, trưng bày cổ vật, triển lãm ảnh nghệ thuật... đã được tổ chức, thu hút đông đảo du khách và nhân dân tham gia. Sau chương trình khai mạc, các hoạt động của lễ hội sẽ tiếp diễn đến hết ngày 28/4 (tức ngày 10/3 âm lịch).
Phan Hiếu