Trước phiên khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại diện Ðoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quốc hội cũng đã họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình làm việc của Kỳ họp.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Kỳ họp thứ 11 là thời điểm để nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp và các mặt công tác khác, đề ra các việc cần làm trong năm 2016 và những năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm; phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: Đây là kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, với nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước; xem xét, tổng kết hoạt động của bộ máy nhà nước trong nhiệm kỳ qua; xem xét quyết định kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm.
Đồng chí đề nghị Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan dành thời gian, công sức chuẩn bị chu đáo các nội dung trình Quốc hội; tăng cường phối hợp, bảo đảm thực hiện tốt chương trình nghị sự theo tiến độ đã xác định; đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp.
Kỳ họp thứ 11 dự kiến diễn ra trong vòng 19 ngày với nhiều nội dung quan trọng, đó là: Quốc hội xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011- 2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016- 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016- 2020.
Tại kỳ họp, Quốc hội xem xét, thông qua một số dự án Luật; phê chuẩn Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; xem xét Báo cáo về kết quả đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề liên quan.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét các Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011- 2016 của Quốc hội, các các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
Đồng thời xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước; xem xét Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Báo cáo kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Tại phiên khai mạc, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011- 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020.
Quốc hội cũng đã nghe các Báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011- 2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016- 2020; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo, tờ trình: Tờ trình về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật báo chí (sửa đổi).
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra trong 19 ngày (từ 21/3 đến 12/4/2016).
Mai Lan