Dự lễ khai hội, đại biểu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đinh Tiến Dũng, UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; các đồng chí lãnh đạo đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương… Đại biểu tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố… Về phía Giáo hội Phật giáo có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Bái Đính; Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự phật giáo tỉnh Ninh Bình và đông đảo tăng ni, phật tử, du khách thập phương trong và ngoài nước đã về dự Lễ khai hội chùa Bái Đính.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ gióng trống Khai hội Chùa Bái Đính năm 2014.
Màn trống hội Hoa LưChùa Bái Đính cổ nằm trên ngọn núi Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn có lịch sử hơn một nghìn năm tuổi, từng là nơi Đinh Tiên Hoàng đế lập đàn tế trời cầu cho mưa thuận, gió hòa. Vua Quang Trung cũng đã chọn nơi đây để thực hiện nghi lễ tế cờ, động viên quân sỹ trước khi tiến ra Thăng Long đại phá quân Thanh xâm lược.
Chùa Bái Đính mới hiện là ngôi chùa đạt nhiều kỷ lục như: Khu chùa rộng nhất Việt Nam, tượng phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á, chùa có nhiều tượng La Hán lớn nhất Việt Nam, khu chùa có giếng lớn nhất Việt Nam, khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam…
Ngay từ sáng sớm, khách thập phương từ khắp mọi nơi đổ về khu vực chùa Bái Đính tham dự lễ hội. Các vị cao tăng cùng phật tử thập phương dâng hương lên Phật tổ và cùng ôn lại lịch sử đất Cố đô Hoa Lư - nơi nhà Lý khởi nghiệp, nơi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước, dựng nên nước Đại Cồ Việt.
Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế Thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội.
Phần hội chùa Bái Đính gồm các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát chèo, xẩm, ca trù đất Cố đô. Ngoài ra còn phần sân khấu hóa của Nhà hát chèo Ninh Bình tái hiện lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng Đế và lễ tế cờ của Vua Quang Trung trên núi Đính trước giờ xung trận…
Hàng vạn du khách đã đến tham quan, chiêm bái chùa Bái Đính và cùng thưởng thức Chương trình nghệ thuật đặc sắc của Nhà hát chèo Ninh Bình với màn trống hội Hoa Lư, nhiều tiết mục ca, múa, nhạc mang chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân làm tăng thêm không khí tưng bừng cho lễ hội. Các đại biểu và tăng ni, phật tử cùng du khách đã tham gia nghi lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước phồn vinh, no ấm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh đã gióng trống và đánh chiêng khai hội chùa Bái Đính năm 2014. Tiếp đó cùng với các phật tử, du khách, nhân dân… tham gia nghi lễ thả chim phóng sinh, thả bóng bay lên bầu trời cùng cầu nguyện cho mọi người có cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân được tổ chức hàng năm, diễn ra từ ngày mùng 6 Tết Âm lịch đến hết tháng 3. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài việc thưởng ngoạn cảnh quan chùa, khu du lịch sinh thái Tràng An, khách thập phương còn được thưởng thức các tiết mục biểu diễn trống hội, các tiết mục văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc, độc đáo của địa phương như hát chèo, hát xẩm, ca trù…
Mỹ Hạnh