"Cơn khát" giữa mùa nắng nóng
Ngay từ năm 2000, xã Yên Thành, huyện Yên Mô đã được đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung với công suất 400m3/ngày đêm. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu, lại không tính toán đến sự gia tăng về quy mô dân số, mức độ sử dụng nên chỉ vài năm sau, công trình đã không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong xã.
Hiện nay, gần một nghìn hộ dân thuộc các thôn Bạch Liên, thôn 83, thôn 92, Yên Hóa, Tiên Dương, Thượng Phường vẫn chưa được cấp nước sạch. Thậm chí, ở các thôn đang có nước sạch, vào các đợt cao điểm nắng nóng vẫn xảy ra tình trạng mất nước cục bộ.
Bà Trịnh Thị Tâm, thôn Giang Khương cho biết: 2 năm nay, sau khi xã bàn giao nhà máy nước cho Công ty Thuận Thiên, gia đình tôi không có một giọt nước nào. Toàn bộ sinh hoạt phải sử dụng nguồn nước mưa và nước giếng, trong khi đó nước mưa thì có hạn, còn nước giếng thì rất tanh hôi. Để khắc phục, tôi phải tự xử lý bằng CloraminB, rất bất tiện, mất thời gian, tốn kém, nhất là trong những ngày nắng nóng như thế này.
Còn tại Yên Thắng, một trong những xã đầu tiên của huyện Yên Mô về đích NTM nhưng tình trạng thiếu nước sạch cũng đang xảy ra khá trầm trọng. Hơn 40% hộ dân trong xã không được sử dụng nguồn nước sạch từ Trạm cấp nước tập trung mà phải dùng nước mưa, nước giếng không đảm bảo vệ sinh.
Theo tìm hiểu của phóng viên thì Trạm cấp nước của xã được thi công và đưa vào sử dụng từ năm 2004, công suất lúc bấy giờ là 9.000 m3/ngày đêm, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho 1.400 hộ dân. Tuy nhiên đến nay, số đồng hồ nước đã là 2.500 hộ, tức là gần gấp đôi.
Trong khi đó, công trình sau gần 20 năm sử dụng, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, tỷ lệ thất thoát nước cao. Điều này dẫn đến áp lực nước tại một số khu vực không đảm bảo, việc cung cấp nước cho người dân gặp nhiều khó khăn.
Được biết, hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước mưa cạn kiệt, trong khi nước giếng khoan tại các hộ gia đình ở đây đều nhiễm mặn nên bà con phải sử dụng nguồn nước từ các giếng ở rìa ruộng. Đa phần các giếng này chỉ nông khoảng 2-3 m, lưu thông với nước ruộng, do vậy không ai dám chắc các hóa chất trong sản xuất nông nghiệp như thuốc trừ sâu, thuốc cỏ, phân bón hữu cơ không ngấm vào.
Được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2017 nhưng xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp chưa có công trình nước sạch tập trung. Lâu nay, người dân nơi đây đều phải sử dụng nguồn nước mưa, nước giếng khoan, giếng đào trong sinh hoạt. Dẫu biết rằng nguồn nước này không đảm bảo chất lượng nhưng bà con không còn sự lựa chọn nào khác.
Đồng chí Phạm Thị Toán, Bí thư chi bộ thôn Yên Đồng cho biết: "Từ trước đến nay, bà con trong thôn vẫn sử dụng nước giếng trong sinh hoạt. Hiện nay, yêu cầu cuộc sống cao hơn, người dân muốn ăn sạch, ở sạch hơn nên nhiều hộ có nhu cầu sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung để sinh hoạt cho yên tâm. Bên cạnh đó, nhiều hộ trong thôn cũng đang rất khó khăn về nguồn nước vì khoan giếng không được, nắng hạn, 2-3 nhà phải dùng chung một giếng".
Cần sớm có các giải pháp khắc phục
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 90 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, công tác quản lý, sử dụng và khai thác các công trình này nhìn chung khá hiệu quả, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe của người dân.
Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn những công trình hoạt động chưa hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực, bức xúc trong nhân dân. Ngoài các xã Yên Thắng, Yên Thành (huyện Yên Mô), Yên Sơn (thành phố Tam Điệp), vẫn còn nhiều địa phương khác đang thiếu nước sạch để sử dụng, chất lượng nước cung cấp ở một số nơi chưa đảm bảo. Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung ở nông thôn trên toàn tỉnh mới chỉ đạt 60%.
Ông Trịnh Quang Đông, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh cho rằng, có hiện tượng thiếu nước sạch một phần là do các trạm cấp nước đã được xây dựng cách đây nhiều năm, công suất thiết kế thấp, nhiều hạng mục đã xuống cấp, tỷ lệ thất thoát lớn, hiện nay, dân số gia tăng, nhu cầu nước sạch trên đầu người cũng tăng cao, dẫn đến quá tải.
Trong khi đó, việc huy động doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng công trình nước sạch gặp nhiều khó khăn. Về công trình nước sạch tại xã Yên Thắng, huyện Yên Mô do đơn vị quản lý, ông Đông cho biết: thời gian qua, thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhiều tuyến đường trên địa bàn được nâng cấp cải tạo, quá trình thi công đã làm ảnh hưởng, hư hỏng nhiều đoạn ống dẫn nước. Để khắc phục, Trung tâm đã tiến hành thay thế các đường ống mới tại các thôn Khai Khẩn, Bình Hào, Chợ Tu, Vân Du Thượng. Trước đó, Trung tâm cũng đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để nâng công suất của trạm cấp nước lên 1.400 m3/ngày đêm. Đến nay đã cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu nước ở địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn một số thôn ở xa trung tâm vẫn chưa có nước sử dụng. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tìm cách khắc phục. Tại xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, trước những kiến nghị, mong muốn của người dân, năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng công trình trạm cấp nước tập trung xã Yên Sơn với công suất 2.500 m3/ngày đêm, tổng kinh phí 27 tỷ đồng. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành các hạng mục như hệ thống thu, trạm bơm cấp 1, bể lọc nhanh. Dự kiến, trong quý III năm 2020, công trình sẽ đưa vào hoạt động phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho 1.900 hộ dân trên địa bàn.
Thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân nông thôn tăng cao, một số khu vực dân cư nông thôn xảy ra tình trạng thiếu nước. Để đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân, mới đây, Sở Nông nghiệp & PTNT đã có văn bản đề nghị các đơn vị quản lý các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh tăng cường quản lý, khắc phục sự cố rò rỉ, phân vùng cấp nước đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân đủ số lượng và đảm bảo chất lượng.
Thực hiện các cam kết khi tiếp nhận công trình, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước cho các thôn, xóm, đặc biệt là các thôn đang thiếu nước. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, có biện pháp trữ nước an toàn, hiệu quả.
Bài, ảnh: Hà Phương