Qua hơn 1 năm thực hiện mô hình "Tự quản toàn diện ở khu dân cư", nhận thức và ý thức của nhân dân trong việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các quy định của địa phương được nâng lên.
Đa số người dân đều nhận thấy việc xây dựng mô hình tự quản toàn diện là cần thiết, bởi nó đem lại lợi ích thiết thực cho mọi người. Từ việc thực hiện mô hình tự quản toàn diện, nhân dân đã tham gia các hoạt động ở phố, thôn tích cực, trách nhiệm hơn. Việc nộp thuế nhà đất, phí vệ sinh môi trường, tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo cũng như việc chấp hành các quy định về quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, quy định về nếp sống văn minh trọng việc cưới, việc tang... tự giác hơn. Tình cảm của các gia đình trong khu phố, thôn được gần gũi, gắn bó, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau được phát huy.
Khắc phục tình trạng "Đèn nhà ai, nhà nấy rạng", hạn chế các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tinh thần trách nhiệm của cán bộ phố, thôn, nhất là tổ trưởng tổ tự quản được nâng cao.
Tuy nhiên, qua hơn 1 năm thực hiện "Tổ dân phố tự quản toàn diện" cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền tại một số phường, xã trong việc chỉ đạo thực hiện mô hình còn hạn chế.
Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, thường xuyên. Một số đoàn thể ở cơ sở vai trò còn mờ nhạt trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của tổ dân phố.
Hoạt động của Ban vận động và tổ tự quản ở một số phố, thôn có lúc chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả không cao; cá biệt còn có tổ tự quản của thôn không hình thành được do không bầu được tổ trưởng.
Hiệu quả thực hiện mô hình tự quản trên một số mặt hạn chế như: Tự quản về nếp sống văn minh trong việc cưới (làm rạp không đúng quy định); về trật tự đô thị (căng treo phông bạt, bán hàng trên vỉa hè)... gây cản trở giao thông và làm mất mỹ quan đô thị. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình chưa được coi trọng. Tinh thần trách nhiệm của một số ít đồng chí trong Ban vận động và tổ tự quản chưa cao...
Chủ trương xây dựng mô hình tự quản toàn diện là chủ trương đúng, trúng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự quản của người dân trong mọi hoạt động gắn liền với khu dân cư và mỗi hộ dân, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện về mọi mặt của đời sống xã hội, hướng tới xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh.
Thực hiện tốt mô hình tự quản toàn diện là biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và các mô hình tự quản khác.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện mô hình tự quản toàn diện ở khu dân cư, UBND thành phố Ninh Binh đã kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng thôn, tổ dân phố tự quản toàn diện cấp thành phố và các xã, phường, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Các cấp ủy Đảng đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể trong việc xây dựng mô hình "Tự quản toàn diện ở khu dân cư".
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng mô hình tự quản toàn diện ở khu dân cư, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện mô hình. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện mô hình ở cơ sở.
Định kỳ hàng năm, thành phố và các xã, phường tổ chức sơ kết việc thực hiện mô hình để kiểm điểm, đánh giá những kết quả đạt được, có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế và biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện mô hình tự quản toàn diện.
Trần Dũng