Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với địa bàn, đối tượng, đã tác động tích cực đến nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật vẫn còn một số hạn chế như: Việc TTPBGDPL có nơi chưa được chỉ đạo thường xuyên, liên tục, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Nhận thức về công tác TTPBGDPL của lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, coi đó là nhiệm vụ của ngành Tư pháp. Nhiều văn bản pháp luật mới ban hành đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa được tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thật sự đa dạng, phong phú. Kinh phí phục vụ cho công tác TTPBGDPL còn hạn hẹp. Một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai "Ngày pháp luật", do vậy việc triển khai có nơi còn sơ sài, hình thức. Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc ở một số Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhiều, số lượng lớn và liên tục được sửa đổi, bổ sung nên việc phổ biến đến các đối tượng chưa đầy đủ. Ngoài ra, chế độ, chính sách cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn hạn chế nên chưa khuyến khích để các tuyên truyền viên phát huy khả năng, tâm huyết trong công tác TTPBGDPL đến đông đảo nhân dân… Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác TTPBGDPL, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian tới đó là: Các cấp ủy Đảng, chính quyền quán triệt sâu sắc, đầy đủ Chỉ thị số 32-CT/T.Ư ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các ngành, thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và cấp huyện triển khai nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo Nghị quyết số 22/NQ-HĐND của HĐND tỉnh phê duyệt Đề án 16/ĐA-UBND và Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2010 - 2015 của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định 266/QĐ-UBND ngày 25-3-2010. Tiếp tục kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải, quan tâm xây dựng và khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công và các đối tượng chính sách. Tăng cường việc biên soạn tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật để cấp phát cho các ngành thành viên của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật, các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Tổ chức triển khai có hiệu quả các hình thức TTPBGDPL, trong đó chú trọng đến việc đổi mới, cải tiến hình thức TTPBGDPL phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng, nhằm thực hiện tốt công tác TTPBGDPL đến đông đảo nhân dân, hạn chế gia tăng các vi phạm, tội phạm, giữ gìn tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quang Khải