Số liệu mới nhất từ Chi cục Thú y tỉnh cho thấy: Đến hết tháng 5, nghĩa là thời điểm kết thúc đợt tiêm phòng vụ xuân hè được 1 tháng, toàn tỉnh mới tiêm được 9.529 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò (bằng 56,9% kế hoạch).
Với bệnh lở mồm, long móng chỉ có những địa phương nằm trong Chương trình Quốc gia khống chế và thanh toán bệnh lở mồm, long móng mới tiến hành tiêm phòng, còn lại các đơn vị khác hầu như bỏ trắng.
Với bệnh tụ dấu, phó thương hàn trên đàn lợn cũng chỉ tiêm được 22.930 liều (bằng 5,7% kế hoạch). Nhiều địa phương tỷ lệ tiêm phòng đạt tỷ lệ rất thấp như Gia Viễn tiêm tụ huyết trùng đạt 16,1%, Hoa Lư đạt 10%. Với bệnh tụ dấu, phó thương hàn Hoa Lư chỉ tiêm được 370 liều, Yên Mô 470 liều trên tổng số hàng chục nghìn con lợn cần phải tiêm.
Trong các loại vắc xin tiêm phòng bắt buộc duy nhất chỉ có vắc xin dịch tả lợn có tỷ lệ tiêm phòng đạt khá 175.326 liều (đạt 107% so với kế hoạch) do được UBND tỉnh hỗ trợ tiền vắc xin và công tiêm cho toàn đàn lợn.
Theo Chi cục Thú y, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp là do chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, lơ là, chưa tự giác phối hợp với ngành Thú y trong công tác tiêm phòng, nên ngành Thú y không thể thống kê chính xác số gia súc, gia cầm, dẫn đến bỏ lọt số đàn trong diện tiêm.
Một bộ phận người chăn nuôi có tâm lý ngại bắt, ngại tiêm, họ cho rằng chưa có dịch thì không cần tiêm, bao giờ có dịch mới tiêm vì thế việc tiêm phòng ở tình trạng "được chăng hay chớ", không đảm bảo quy định về số lần, liều lượng cũng như thời gian theo quy định.
Đối với đàn lợn, do thời gian nuôi ngắn, nông dân thường có tư tưởng chủ quan nên tỷ lệ tiêm phòng cho đàn lợn rất thấp, toàn tỉnh chỉ đạt từ 35-40% tổng đàn lợn. Bên cạnh đó, giá một số loại vắc xin ở mức khá cao cũng là một nguyên nhân quan trọng làm nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ tiếc tiền, không tiêm phòng. Chỉ có những hộ chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại mới tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cần thiết.
Trong đợt tiêm phòng vụ xuân hè vừa qua, mặc dù theo kế hoạch toàn tỉnh sẽ triển khai tiêm phòng từ ngày 10-3 nhưng đến ngày 20-4 tức là hơn 1 tháng sau đó vẫn còn nhiều đơn vị chưa triển khai tiêm phòng, như các xã Gia Thủy, Đức Long, Đồng Phong, Phú Long của huyện Nho Quan; xã Gia Phong, Gia Trấn, Gia Thanh, Gia Tiến, Gia Lạc của huyện Gia Viễn; Trường Yên, Ninh Khang, Ninh Vân, Thiên Tôn của huyện Hoa Lư….
Nhìn lại nguyên nhân làm cho tỷ lệ tiêm không đạt yêu cầu có thể khẳng định phần lớn là do ý thức của người chăn nuôi vàsự chủ quan, lơ là trong tổ chức, vận động, tuyên truyền, triển khai thực hiện công tác tiêm phòng của chính quyền cơ sở. Để phát triển ngành chăn nuôi hiệu quả, bền vững, trước hết phải nâng cao nhận thức của người dân. Hơn ai hết những người chăn nuôi phải biết tự giải quyết những vấn đề đơn giản, cụ thể trong quá trình sản xuất của gia đình, tránh những thiệt hại về kinh tế.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm ở địa phương mình, có biện pháp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, coi tiêm phòng là khâu chính, có ý nghĩa quyết định trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tăng cường vận động tuyên truyền để người dân thấy rõ tiêm phòng không chỉ bảo vệ đàn gia súc, gia cầm mà còn bảo vệ tính mạng con người, tiêm phòng không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của người chăn nuôi...
Hà Phương