Trong cái se se lạnh của đợt "rét nàng Bân", bên ấm trà thơm nồng, ông Phiên say sưa ca vài câu vọng cổ: "Từ là từ phu tướng. Bảo kiếm sắc phong lên đàng. Vào ra luống trông tin chàng. Đêm năm canh mơ màng".
Ông nói rằng, ông không có khiếu ca hát nên cố gắng lắm, ông cũng chỉ thuộc có vài câu trong bài Dạ cổ hoài lang. Thế nhưng mỗi lần nhớ Bạc Liêu, ông ca mãi vài câu đó mà không thấy chán.
Nhấp chén nước chè rồi ông chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về "cơ duyên" đưa ông đến với Bạc Liêu hơn 30 năm về trước.
Theo chủ trương của Trung ương, 2 tỉnh Hà Nam Ninh - Minh Hải kết nghĩa cùng nhau xây dựng, phát triển cùng cả nước tiến lên CNXH. Năm 1979, nhiều cán bộ, trưởng, phó ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ chuyên môn từ Hà Nam Ninh vào công tác tại Minh Hải.
Ông Phiên là một trong những người nằm trong danh sách đó. Ông kể: Năm ấy, mẹ tôi bị ốm nặng rồi bị mù. 9 đứa con thơ đang tuổi đến trường. Gánh nặng mưu sinh được đặt lên đôi vai gầy của vợ.
Trong hoàn cảnh đó, khi được điều động vào công tác ở Minh Hải tôi cũng thấy nặng lòng. Nhưng tôi lại nghĩ, đã có biết bao thế hệ cha ông đã hy sinh để bảo vệ đất nước, vậy trách nhiệm xây dựng Tổ quốc sao mình lại nề hà? Vậy là tôi quyết định ra đi.
Còn nhớ, sáng hôm sau, tôi đi chợ, mua mấy con cá về nấu canh chua (một món ăn khá sang đối với gia đình nông thôn thời bấy giờ). Trong bữa cơm thật đầm ấm ấy, tôi đã nói với gia đình quyết định của mình. Thật ngạc nhiên, vợ tôi không lời ca thán mà còn động viên tôi vững bước lên đường.
Cùng đi chuyến đó với tôi còn có các ông Phạm Văn Thế (Ty Thủy sản), Trịnh Quang Trạm (Ty Thủy Lợi), Nguyễn Văn Ngọc (Phó Chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch Hà Nam Ninh), Nguyễn Thanh Phong (Phó Trưởng ty Lương thực), Bùi Văn Dị (Phó Trưởng ty Công nghiệp)…
Vốn là Phó trưởng ty Ngoại thương của tỉnh Hà Nam Ninh, khi vào Minh Hải, ông Phiên được Tỉnh ủy Bạc Liêu giao nhiệm vụ làm phó Giám đốc Công ty liên hiệp xuất khẩu tỉnh Minh Hải, kiêm chủ nhiệm Công ty chuyên xuất khẩu nông sản, thực phẩm.
Khác nhau về tác phong, lề lối làm việc, khác nhau ở phong cách sống giữa hai miền nhưng ở họ đều có chung một mục tiêu, đó là xây dựng một Minh Hải giàu mạnh, phát triển. Bởi thế, chỉ sau thời gian ngắn làm việc, ông Phiên và những người đồng nghiệp đều hiểu và quý mến nhau.
Ông Phiên còn đưa một số người ở Hà Nam Ninh vào hướng dẫn bà con Minh Hải cách ấp vịt, nuôi vịt ngoài biển ở cửa biển Bạc Liêu, hướng dẫn người Bạc Liêu cách dệt chiếu, đan làn cói...
Những người từ Hà Nam Ninh vào còn mở hẳn một xưởng dệt chiếu cói để vừa truyền nghề, vừa giải quyết việc làm cho 50 lao động địa phương. Đến nay, xưởng dệt không còn nhưng những nghề đó vẫn tồn tại và là "cơm ăn, áo mặc" của bà con vùng Trà Kha, Gành Hào.
Bên cạnh đó, Đảng bộ và nhân dân Minh Hải cũng nhiệt tình tiếp nhận và hết lòng giúp đỡ hàng nghìn gia đình từ Hà Nam Ninh vào Minh Hải xây dựng và gắn bó lâu dài với quê hương mới.
Ông Phiên trầm ngâm nhớ lại: Khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ở Minh Hải, chúng tôi được tin tỉnh Hà Nam Ninh bị lụt, lương thực thiếu trầm trọng, nhiều gia đình bị đói.
Những ngày ấy, Đài phát thanh các cấp của Minh Hải liên tục đưa tin về thiên tai này, đồng thời kêu gọi người dân Minh Hải thực hành tiết kiệm để ủng hộ đồng bào Hà Nam Ninh với tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no".
Ngày đó, phương tiện liên lạc không thuận tiện như bây giờ. Mối liên lạc với gia đình chúng tôi chỉ biết trông chờ vào cánh thư nên anh em ai cũng sốt ruột. Hiểu được tâm trạng đó, những đồng nghiệp ở Minh Hải động viên, chia sẻ với chúng tôi rất nhiều. Họ cũng thấp thỏm, lo lắng như chờ tin chính người thân của mình.
Còn Tỉnh ủy Minh Hải đã nhanh chóng chỉ đạo xuất 30 tấn gạo hỗ trợ đồng bào Hà Nam Ninh. Hạt gạo nghĩa tình đến với bà con Hà Nam Ninh thật đúng lúc. Nó không chỉ giúp bà con đỡ đói lòng, mà trên tất cả, bà con ai cũng ấm lòng vì sau cơn hoạn nạn, mối tình Minh Hải-Hà Nam Ninh càng thêm bền chặt, sắt son.
Sau 3 năm công tác (1979-1981), ông Phiên được tạo điều kiện trở lại Hà Nam Ninh công tác để hợp thức hóa gia đình. 3 năm "nằm gai, nếm mật" với đồng bào Bạc Liêu tuy chưa phải là dài, song, "tình đất" và "tình người" Bạc Liêu đã là một phần trong trái tim ông.
Ngày ông chia tay đồng chí, đồng nghiệp, chia tay mảnh đất Bạc Liêu thật quyến luyến, bịn rịn. Ông thầm hẹn sẽ có ngày trở lại thăm Bạc Liêu-quê hương thứ 2 của mình.
Đã hơn 30 năm trôi qua. Lời hẹn ước đó của ông đến nay vẫn chưa thành hiện thực. ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Phiên chỉ biết dõi theo những bước đi của Bạc Liêu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Phiên tâm sự: Tôi rất xúc động khi nhận thấy Bạc Liêu-xứ "cơ cầu" ngày nào giờ đang chuyển mình mạnh mẽ trong sự nghiệp CNH-HĐH. Vì hoàn cảnh gia đình, tôi đành lỗi hẹn với Bạc Liêu. ở nơi cách xa Bạc Liêu gần 2.000 km, tôi muốn gửi đến đồng chí, đồng nghiệp ngày nào, gửi đến những con người Bạc Liêu phóng khoáng, nhân hậu, nghĩa tình… một sự biết ơn, một tình yêu và một trái tim luôn khắc khoải nỗi nhớ mong.
Thu Hằng