Thông qua việc quán triệt, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cải cách tư pháp, đã từng bước nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong tỉnh mà trước hết là cán bộ các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp. Từ đó, thấy rõ hơn được trách nhiệm của mỗi cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp đã có sự trưởng thành về số lượng và chất lượng. Tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, kiện toàn lại đội ngũ cán bộ Tòa án cấp huyện, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp để nâng cao chất lượng xét xử, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp đã được xác định trong các Nghị quyết của Đảng. HĐND tỉnh tham gia có hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp theo thẩm quyền thông qua hoạt động của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán và Kiểm sát viên. Mặt khác, các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan tư pháp cũng đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch cán bộ, trong đó coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ; tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với cán bộ tư pháp, cán bộ có chức danh tư pháp. Vì vậy, đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ thư ký giúp việc Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2010-2015. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành kế hoạch kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/T.Ư, Nghị quyết số 49-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về công tác tư pháp đối với Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm Thường trực Tỉnh ủy tổ chức giao ban với thủ trưởng các ngành trong khối nội chính cấp tỉnh, Bí thư các Huyện, Thành, Thị ủy để đánh giá những kết quả đạt được, những khuyết điểm cần khắc phục của từng cơ quan, đơn vị, trọng tâm là việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư pháp.
Thực hiện chức năng giám sát đối với hoạt động tư pháp, HĐND 2 cấp đã chú trọng giám sát việc xét xử các vụ án trọng điểm, các vụ xét xử lưu động ở 2 cấp, phối hợp giám sát tình hình chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, thông qua việc xem xét các báo cáo tại các kỳ họp của HĐND; tăng cường giám sát việc thi hành án dân sự của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh, ngoài ra còn thực hiện giám sát thông qua tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp.
Một trong những nội dung hoạt động của HĐND tỉnh chính là đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn đối với các cơ quan tư pháp tại các kỳ họp, trong đó tập trung vào những vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành được đại biểu cử tri và dư luận xã hội quan tâm như: việc sửa, hủy án; thực trạng và giải pháp đối với đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp khi thực hiện tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện…
Cấp ủy, lãnh đạo cơ quan tư pháp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, dự báo và xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm. Chất lượng các mặt công tác tư pháp và các hoạt động hỗ trợ tư pháp có bước chuyển biến. Các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trên cơ sở quy định của pháp luật trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, bắt, tạm giam, tạm giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; trong xác định, giải quyết các vụ án trọng điểm, tổ chức các phiên tòa lưu động tại địa phương nơi xảy ra tội phạm.
Công tác xét xử được đổi mới theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Trong giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại và lao động, Tòa án nhân dân 2 cấp đã chú trọng nguyên tắc tôn trọng sự định đoạt, thỏa thuận của các đương sự, kiên trì hòa giải, thuyết phục các đương sự để làm giảm bớt căng thẳng. Do vậy, tỷ lệ hòa giải thành và công nhận thỏa thuận đạt gần 44%.
Các cơ quan thi hành án dân sự đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự. Cục Thi hành án và các Chi cục trong tỉnh đã thụ lý và thi hành hơn 12.500 việc, số tiền phải thu là trên 196, 8 tỷ đồng, đã thi hành 10.914 vụ việc với tổng số tiền 171, 6 tỷ đồng.
Thực hiện chủ trương tăng thẩm quyền của các cơ quan tư pháp cấp huyện, các cơ quan tư pháp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện sự chỉ đạo của các cơ quan tư pháp Trung ương. Đến tháng 12 - 2009, các cơ quan tố tụng cấp huyện đã được tăng thẩm quyền hoàn thành trước 1 năm so với lộ trình và đã thực hiện tốt nhiệm vụ theo thẩm quyền mới. Các vụ tăng thẩm quyền đều được giải quyết trong thời hạn luật định, tỷ lệ sửa, hủy án thấp (đã giải quyết 100% án tăng thẩm quyền, tỷ lệ sửa án 3,15%, hủy án 0,63% trên tổng số vụ án đã xét xử sơ thẩm).
Theo lộ trình thành lập các Tòa án sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát khu vực được chuẩn bị các điều kiện cần thiết, dự kiến thành lập 4 Tòa án sơ thẩm khu vực và Viện Kiểm sát khu vực. Các cục, chi cục Thi hành án dân sự cũng được UBND tỉnh giao đất xây dựng trụ sở theo kiến trúc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ khi thành lập Tòa án khu vực.
Những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp ở tỉnh Ninh Bình đã góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, phục vụ kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, tổ chức, công dân.
Thùy Phương