Đến nay, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy 3 cấp đạt trung bình 17%, nữ lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có 29 đồng chí, tăng 70% so với năm 2007. Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình có 3 đồng chí nữ là đại biểu Quốc hội khóa XIII, chiếm 50% số đại biểu Quốc hội của tỉnh (cao nhất so với cả nước và tăng 16,7% so với khóa XII). Từ năm 2007-2012, toàn tỉnh đã có gần 6.000 lượt cán bộ, công chức nữ từ tỉnh đến cơ sở được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước và lý luận chính trị, chiếm 40% tổng số cán bộ được đào tạo.
Cùng với đó, trong những năm qua, giải quyết việc làm đã thực sự trở thành nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động nữ. Từ năm 2007 đến nay đã tạo việc làm mới cho hơn 100 nghìn lao động, trong đó lao động nữ chiếm 45,4%. Công tác tư vấn việc làm, tư vấn nghề nghiệp cũng đạt những kết quả nhất định.
Từ năm 2009, Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đã giới thiệu việc làm cho hơn 700 lao động nữ. Ngoài ra, hàng năm Hội Phụ nữ, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức các lớp tập huấn, học tập về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách phòng trừ sâu bệnh, áp dụng giống mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Các cấp Hội Phụ nữ đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường xây dựng và triển khai các chương trình hoạt động nhằm giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế. Trong 5 năm qua đã có 26,3 tỷ đồng tiết kiệm từ phong trào "Nuôi lợn nhựa" và 1.932 hũ gạo tiết kiệm ủng hộ, giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống…
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, ngành Giáo dục đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, lao động nữ được đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và thực hiện đảm bảo chế độ chính sách đối với lao động nữ. Việc giáo dục về giới trong chương trình dạy học ở các bậc học được quan tâm chú trọng, từng bước đưa nội dung giáo dục dân số, giáo dục giới tính và sức khỏe cộng đồng vào trường học. Từ năm 2007 đến nay, ngành Giáo dục đã tổ chức được hơn 100 cuộc truyền thông về bình đẳng giới, giáo dục sức khỏe sinh sản cho khoảng trên 92 nghìn lượt người tham dự, trong đó nữ chiếm 55,38%.
Đối với mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, các ngành, các đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện các biện pháp nhằm từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân về phòng, chống bạo lực gia đình, nhấn mạnh tuyên truyền về đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam.
Trong năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 287 cuộc truyền thông về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới và tư vấn giáo dục đời sống gia đình tại các xã, phường, cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh.
Hầu hết các đơn vị đều xây dựng các mô hình câu lạc bộ nhằm đẩy mạnh hoạt động giáo dục về lối sống văn hóa, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình trên cơ sở giới. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã xây dựng thí điểm mô hình Nhóm tư vấn cộng đồng nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các hệ lụy tiêu cực của hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại xã Khánh Phú dưới hình thức câu lạc bộ hôn nhân gia đình và bình đẳng giới ở thôn Phú Bình, Phú An, Phú Sơn…
Có thể khẳng định, với nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới trong thời gian vừa qua, đến nay nhận thức của người dân về vấn đề giới và bình đẳng giới đã được nâng lên; vai trò của giới được nhìn nhận khách quan hơn.
Kiều Ân