Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan": không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy. Bức xúc này được bàn thảo gay gắt tại Nghị trường Quốc hội và yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương phải quyết liệt vào cuộc ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm mất an toàn vệ sinh, vì sức khỏe giống nòi, vì lợi ích và quyền lợi của người tiêu dùng.
Đồng chí Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Trưởng Đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm của ngành Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để ngăn chặn phần nào vấn đề trên, ngày 14-4-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 520/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, công tác tuyên truyền, tập huấn cho người dân, nhất là đối với người trực tiếp sản xuất được xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Thời gian qua, các đơn vị trong ngành đã phối hợp với các địa phương tổ chức những lớp tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, văn bản pháp quy. Riêng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã tổ chức 17 lớp tập huấn, trong đó có 2 lớp phổ biến văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV, các kiến thức về kỹ thuật sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả trên cây rau, quả ...cho 100 học viên là lãnh đạo xã, HTX, đoàn thể, đội trưởng sản xuất của một số địa phương trong tỉnh; 15 lớp tuyên truyền, phổ biến biện pháp phòng trừ dịch hại, sử dụng thuốc an toàn hiệu quả trên các cây trồng, nhất là cho 2 xã điểm về an toàn thực phẩm (Khánh Thành-Yên Khánh và Yên Thái-Yên Mô) với 1.855 học viên tham dự. Ngành nông nghiệp cũng đã tổ chức 8 lớp tập huấn về quy trình, quy phạm trong chăn nuôi, thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm cho 625 học viên; 3 lớp phổ biến kiến thức về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh cho 205 học viên; 1 lớp phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm cho 74 học viên; 1 lớp phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, kỹ năng lựa chọn thực phẩm an toàn cho 86 học viên là người tiêu dùng. Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc ngành Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành kiểm tra 36 cơ sở sản xuất và kinh doanh, trong đó có 9 cơ sở sơ, chế biến thịt gia súc, gia cầm; 19 cơ sở kinh doanh (thức ăn chăn nuôi, hoa quả, thuốc BVTV); 8 cơ sở sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt). Đoàn đã thực hiện kiểm nghiệm định tính bằng tets kiểm tra nhanh 43 mẫu thực phẩm, gồm: 2 mẫu hoa quả tươi dương tính với thuốc BVTV; 2 mẫu thịt lợn âm tính với chất cấm; 21 mẫu nước tiểu lợn âm tính với các chất cấm; 5 mẫu thức ăn chăn nuôi âm tính với chất cấm; 10 mẫu giò chả âm tính với chất hàn the; 2 mẫu bì lợn âm tính với chất tẩy trắng; 1 mẫu dầu ăn âm tính với ôi khét. Kiểm nghiệm định lượng 24 mẫu, trong đó 1 mẫu xoài âm tính với dư lượng thuốc BVTV; 1 mẫu tinh bột âm tính với chất cấm; 3 mẫu thức ăn chăn nuôi âm tính với các chất cấm; 2 mẫu nước tiểu lợn âm tính với các chất cấm; 7 mẫu măng âm tính với chất vàng ô. Trong số 2 mẫu rau cải ngồng, 1 mẫu cà gém, 1 mẫu hành hoa, 1 mẫu mồng tơi, 1 mẫu tỏi tây, 1 mẫu đậu đũa, 1 mẫu rau muống... thì có 1 mẫu cải ngồng vượt ngưỡng dư lượng thuốc BVTV và hàm lượng nitrat cho phép, 1 mẫu cà gém vượt ngưỡng dư lượng thuốc BVTV cho phép (các mẫu này đều được lấy từ xã Ninh Phúc-thành phố Ninh Bình). Đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính ở 5 cơ sở với tổng số tiền phạt là 14,5 triệu đồng, bao gồm: 1 cơ sở giết mổ gia cầm không đủ điều kiện vệ sinh thú y cơ sở (trang thiết bị, dụng cụ, nước sử dụng...); 1 cửa hàng kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi không có tủ riêng, quầy riêng bày bán lẫn với thức ăn chăn nuôi và thuốc diệt côn trùng; 1 cơ sở giết mổ thịt lợn không có đủ giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y; 2 cơ sở sản xuất giò chả; 2 cơ sở kinh doanh thực phẩm không có đủ thiết bị, biện pháp phòng, chống côn trùng và động vật nguy hại và không đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh.
Đoàn kiểm tra của ngành Nông nghiệp đã tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt; giết mổ gia súc, gia cầm; vùng trồng rau ăn lớn, nhiều. Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra: Các cơ sở được kiểm tra có tinh thần hợp tác cao, tạo điều kiện cho đoàn thực hiện nhiệm vụ; nhưng phần lớn các cơ sở này đều có quy mô nhỏ lẻ, điều kiện về an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được theo quy định và cũng chưa nắm bắt đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm trong ngành Nông nghiệp cần phải có những giải pháp đồng bộ, từ sản xuất đến tiêu thụ, theo một chu trình kép kín với sự tự giác, ý thức rõ ràng ngay từ người sản xuất. Nông nghiệp vốn là ngành sản xuất đa lĩnh vực, sản xuất chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, địa bàn sản xuất lại rộng... Do vậy, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm trong sản xuất cũng như kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Đinh Chúc