Một ngày giữa tháng 4/2020, Nguyễn Xuân Tiến (trú tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, là đối tượng liên quan đến vụ việc gây rối trật tự công cộng xảy ra tại nhà hàng "Hương Quán", phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình bị Công an thành phố Ninh Bình khởi tố ngày 7/4/2020) đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận: do biết được thông tin truy bắt và vận động đầu thú của Công an thành phố Ninh Bình đăng tải trên mạng xã hội, nên đã hiểu rõ hành vi vi phạm của mình, vì vậy tự giác đến đầu thú. Đây là vụ việc điển hình cho thấy rõ tính hiệu quả của mô hình "Kết nối mạng xã hội - Vì bình yên thành phố" mang lại.
Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Nắm bắt được việc sử dụng mạng internet là xu hướng và nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội trong giai đoạn hiện nay. Qua khảo sát, trên địa bàn thành phố Ninh Bình có khoảng 84.000/129.300 người dân (chiếm khoảng 65%) truy cập hàng ngày vào mạng xã hội thông qua thiết bị di động.
Ngay từ đầu năm 2020, Công an thành phố Ninh Bình đã tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo về ứng dụng mạng xã hội trong phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ" nhằm đưa mạng xã hội trở thành công cụ tuyên truyền hữu hiệu.
Công an thành phố là đơn vị đầu tiên của thành phố thực hiện thí điểm mô hình "Kết nối mạng xã hội - Vì bình yên thành phố" với việc thành lập trang Fanpage và các nhóm Zalo. Để thống nhất bước đi, đảm bảo cách làm đồng bộ, chặt chẽ, Công an thành phố Ninh Bình đã xây dựng Kế hoạch ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook trong điều hành, trao đổi công việc của Công an thành phố. Đồng thời, ban hành Quy định sử dụng internet, mạng xã hội và quy chế quản lý, sử dụng trang Fanpage, các nhóm Zalo trong công tác xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ" và điều hành, trao đổi công việc; thành lập Ban quản trị, ban hành quy chế hoạt động của Ban quản trị để kiểm duyệt, kiểm soát chặt chẽ mọi nguồn thông tin đăng tải, chia sẻ trên không gian mạng.
Thực hiện mô hình, Công an thành phố đã đăng tải được gần 800 tin, bài trên trang Fanpage; duy trì được 305 nhóm Zalo kết nối từ các Đội nghiệp vụ, Công an phường, xã tới các ngành, đoàn thể và nhân dân, như: Nhóm an toàn trường học, an toàn bệnh viện; nhóm Tổ dân phố, thôn an toàn; nhóm Nhà trọ an toàn, nhóm tự quản về trât tự đô thị - vệ sinh môi trường, nhóm kinh doanh Karaoke, nhóm cơ sở lưu trú…
Các nội dung thông tin được đăng tải thường xuyên, kịp thời và tập trung vào cập nhật và phổ biến các thông tin thời sự, chính trị, xã hội chính thống; khuyến cáo về phòng ngừa tội phạm, đảm bảo ANTT, an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị; hướng dẫn, tư vấn, giải đáp thực hiện các thủ tục hành chính khi người dân cần làm việc với cơ quan Công an; tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình ANTT trên địa bàn, tố giác các vụ việc, đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật, đối tượng truy nã; các hoạt động của Công an thành phố…
Với cách làm chủ động và sáng tạo, đến nay trang Fanpage của Công an thành phố đã thu hút được 22.000 người theo dõi và tương tác trang thường xuyên. Qua đó giúp thông tin truyền tải đến người dân được sâu rộng, nhanh chóng, kịp thời, ngắn gọn, đầy đủ các nội dung cần tuyên truyền; đồng thời giảm bớt các hội nghị, hội họp, sinh hoạt, các khẩu hiệu, pa nô, áp phích, giúp tiết kiệm về thời gian, công sức, kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền và phát động phong trào. Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên, đặc biệt là trong công tác đảm bảo ANTT Đại hội Đảng các cấp và phòng chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua.
Đặc biệt, qua thực hiện mô hình, Công an thành phố tiếp nhận được nhiều nguồn tin hơn so với trước. Đồng thời, đã vận động thành công nhiều đối tượng truy nã ra đầu thú. Tình hình tội phạm trên địa bàn được kiềm chế, một số loại tội phạm giảm rõ rệt, hoạt động của tội phạm mang tính chất đơn lẻ, không có băng ổ nhóm hoạt động công khai, lộng hành. Đây là điểm đáng ghi nhận sau khi ứng dụng mạng xã hội trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" của Công an thành phố.
Bên cạnh đó, qua trang Fanpage và các nhóm Zalo, Công an thành phố đã hướng dẫn, tư vấn, giải đáp hàng trăm thắc mắc, kiến nghị của người dân về các thủ tục hành chính khi cần làm việc với cơ quan Công an như thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, đăng ký lưu trú, số điện thoại đường dây nóng để người dân liên hệ trực tiếp với các đơn vị giải quyết theo thẩm quyền... tạo sự gần gũi, thân thiện giữa người dân và cán bộ chiến sỹ Công an, đồng thời giảm bớt thủ tục, tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình, đầu tháng 3/2021, Công an thành phố đã ra mắt kênh thông tin tổng hợp trên Youtube, nhằm cập nhật thường xuyên các video, clip tuyên truyền, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm.
Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành lập nhóm Zalo, mở rộng kết nối 27 đơn vị thành viên tham gia để thường xuyên trao đổi thông tin trong công tác phối hợp; định hướng nội dung tuyên truyền về ANTT cho các đơn vị để chủ động nội dung tuyên truyền trên trang Fanpage và các nhóm Zalo của các đơn vị.
"Kết nối mạng xã hội- Vì bình yên thành phố" là một cách làm mới, phù hợp với công tác xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" và công tác đảm bảo an ninh trật tự trong giai đoạn hiện nay, tạo tiền đề để lực lượng Công an thành phố Ninh Bình nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như chất lượng công tác cải cách hành chính, công tác dân vận. Mô hình đã trở thành Đề tài sáng kiến được Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh phê duyệt.
Từ hiệu quả tích cực mà mô hình đem lại, UBND thành phố Ninh Bình đã chỉ đạo nhân rộng mô hình, đã hình thành được 88 trang Fanpage và 1.283 nhóm Zalo của các đơn vị để phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, trong đó lồng ghép tuyên truyền về ANTT.
Bài, ảnh: Kiều Ân