Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo của tỉnh năm qua?
Đồng chí Nguyễn Phong Phú: Những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy và đề án số 15 của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo đến năm 2010 đã thực sự đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả thiết thực. Đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo; các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao được ưu tiên hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng; người nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vay vốn ưu đãi, ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ cải tạo sửa chữa và xây mới nhà ở. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh (tiêu chí năm 2005) giảm nhanh từ 18,02% năm 2006, xuống còn dưới 6,15% năm 2010, vượt 3,85% so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Hộ nghèo của 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao giảm từ 21,5% năm 2007 xuống còn dưới 10% năm 2010. Ninh Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành xây dựng mới, sửa chữa hơn 3.000 nhà ở dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ và là một trong những tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo tốt trong toàn quốc.
Vừa qua chính phủ đã quyết định điều chỉnh mức chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 là: khu vực nông thôn những hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000đồng/người/tháng trở xuống và khu vực thành thị những hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo.
Qua kết quả về tổng điều tra hộ nghèo, hiện tỉnh ta còn 12,4% hộ nghèo và 9,16% hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo mới. Vì vậy, để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn dưới 7%, đòi hỏi các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh phải cùng ra quân đồng bộ với một hệ thống chính sách và nguồn lực lớn nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững.
PV: Việc huy động các nguồn lực xã hội trong công tác giảm nghèo đã phát huy hiệu quả như thế nào thưa đồng chí ?
Đ/c Nguyễn Phong Phú: Một trong những thành công của công tác giảm nghèo ở tỉnh ta thời gian qua là cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, tỉnh và các địa phương đã huy động được các nguồn lực phục vụ giảm nghèo theo tinh thần xã hội hóa. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, gia đình, dòng họ và toàn xã hội tích cực tham gia phong trào vì người nghèo. Trong 2 năm (2009-2010), toàn tỉnh đã huy động được 36.483 triệu đồng và gần 50 nghìn ngày công từ xã hội hóa, từ các doanh nghiệp, những nhà hảo tâm, từ cộng đồng dân cư, dòng họ, gia đình giúp người nghèo xây, sửa nhà ở, nhiều hơn nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách. Đã chú trọng các biện pháp tuyên truyền nâng cao dân trí, tinh thần quyết tâm vượt khó, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất kinh doanh hiệu quả, biểu dương nhân rộng các điển hình tiên tiến trong xóa đói giảm nghèo.
Việc xã hội hóa, huy động nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo đã có sự chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời đã quản lý, sử dụng các loại quỹ, vốn đầu tư giảm nghèo đúng mục đích, đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Việc huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia giảm nghèo đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi cho người nghèo tự lực vươn lên cải thiện cuộc sống, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng và trong cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
PV: Tết Nguyên đán Tân Mão năm nay, ngành Lao động TB&XH sẽ có những hoạt động gì để giúp đỡ người nghèo được đón xuân vui vẻ, đầm ấm?
Đ/c Nguyễn Phong Phú: Năm nay, theo thống kê số hộ nghèo trong toàn tỉnh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 cao hơn 2 lần so với năm 2010, đời sống của nhân dân, đặc biệt là đối với hộ nghèo sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến động của thị trường, giá cả, các mặt hàng thiết yếu tăng cao. Trước tình hình đó, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cùng với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tiến hành rà soát, xác định số hộ gia đình có nhiều khó khăn trong dịp tết Nguyên đán và kỳ giáp hạt đầu năm 2011, chủ động xây dựng phương án trích nguồn kinh phí đảm bảo xã hội để trợ giúp kịp thời, đảm bảo cho mọi người, mọi nhà đều có tết vui vẻ, đầm ấm.
Hiện nay, Ngành đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công tiêu biểu và những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp Tết; đồng thời tích cực chỉ đạo các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố, thị xã kịp thời chi trả trợ cấp tháng 1 và tháng 2 cho gần 26 nghìn người có công, chi trả trợ cấp cho gần 41 nghìn đối tượng Bảo trợ xã hội; kịp thời áp dụng chi trả trợ cấp cho những người từ đủ 80 tuổi trở lên không hưởng lương hưu theo Luật Người Cao tuổi…nhằm tạo không khí phấn khởi trong nhân dân, đặc biệt đối với những hộ nghèo; đẩy mạnh công tác tổ chức tuyên truyền nhằm huy động sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng xã hội, dòng họ với tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ đối với người nghèo….
PV: Xin cảm ơn đồng chí !
Thanh Hà (thực hiện)