Điểm nhấn trong công tác đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh trong những năm qua chính là hoàn thành các chỉ tiêu xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ hộ nghèo như: Phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015, Nghị quyết về chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm… Các nghị quyết đã nhanh chóng được các cấp, các ngành, đoàn thể cụ thể hóa thành những chính sách hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp cho người nghèo, hộ nghèo. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến những vấn đề thiết thực với người nghèo như đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà cho người có công… Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, tỉnh ta đã tập trung làm tốt công tác rà soát hộ nghèo, trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân nghèo và đưa ra các giải pháp phù hợp giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo. Qua khảo sát, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kiến thức làm ăn, thiếu vốn và thiếu nghề. Từ đây, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền về công tác giảm nghèo, giới thiệu các mô hình giảm nghèo hiệu quả..., qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhân dân về công tác giảm nghèo.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương, đơn vị khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, từ đó lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp với từng vùng, miền và từng đối tượng, đặc biệt quan tâm đến đối tượng thuộc hộ nghèo, lao động nông thôn và người tàn tật. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thẩm định Đề án dạy nghề của các đơn vị dạy nghề trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo đúng quy trình, quy định. Ngành cũng phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành giám sát các địa phương, các cơ sở dạy nghề trong việc thực hiện công tác dạy nghề.
Nhờ đó, hoạt động đào tạo nghề tiếp tục được tăng cường cả về quy mô và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên của một số trường cao đẳng, trường nghề và các trung tâm dạy nghề được đầu tư bài bản, thể hiện sự quyết tâm cao của tỉnh trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Các trường cao đẳng và các trường dạy nghề trong tỉnh đang tập trung mở rộng ngành đào tạo, đồng thời chủ động liên kết đào tạo với các trường Cao đẳng, Đại học trong nước, vì vậy chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Trong năm 2013, đã có trên 17.000 lượt người được đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 36%. Kết quả công tác dạy nghề đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu, tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ hộ nghèo, tỉnh ta đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt chính sách đối với người nghèo. BHXH tỉnh đã cấp trên 43.497 thẻ BHYT cho các đối tượng nghèo với tổng kinh phí gần 27 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 41 nghìn hộ cận nghèo mua BHYT với số tiền trên 25 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng trong việc khám, chữa bệnh. Xây dựng 130 nhà ở cho hộ nghèo tại 3 huyện Yên Mô, Kim Sơn, Gia Viễn. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ tiền điện, tiền học cho học sinh nghèo, trợ giúp pháp lý… cũng được triển khai đầy đủ, kịp thời đã tạo ra "lực đẩy" lớn giúp người nghèo vươn lên. Ngoài ra, bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỉnh đã bố trí ngân sách để phát triển các mô hình giảm nghèo, tập trung chủ yếu vào chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ sản xuất… Những năm qua, với quyết tâm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, phát huy hiệu quả giảm nghèo, nhiều giải pháp, chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo đã được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh vận dụng, triển khai linh hoạt. Trong năm qua, toàn tỉnh có gần 2 nghìn hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền trên 55 tỷ đồng. Ngoài ra, các đối tượng là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được vay tín dụng, người nghèo có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, người nghèo có nhu cầu làm nhà ở… được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi… Nhờ đó, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Đến hết năm 2014, toàn tỉnh còn 11.148 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,92% (giảm 3.907 hộ).
Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tỉnh đã huy động tổng hợp các nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc người có công. Trong năm, tỉnh ta đã tổ chức thăm và tặng trên 65.000 suất quà, trị giá trên 14 tỷ đồng cho các gia đình chính sách, người có công, vận động đóng góp 1,14 tỷ đồng xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Đến nay, toàn tỉnh có 146/146 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công...
Đã thành thông lệ, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh lại tất bật chăm lo Tết cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Từ việc rà soát đối tượng, tiêu chuẩn, đến tập hợp lên danh sách và chuẩn bị quà để đi thăm, tặng quà hộ chính sách, hộ nghèo trên tinh thần "không để người nghèo không có Tết". Để Tết đến với mọi nhà, trong những ngày giáp Tết, các địa phương trong tỉnh tổ chức các đoàn đến thăm và tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, với mong muốn món quà xuân sẽ là nguồn động viên về vật chất, tinh thần cho các hộ nghèo đón Tết cổ truyền vui tươi, đầm ấm.
Nguyễn Hùng