Tết đến, háo hức nhất là trẻ con, lo toan nhất là người lớn nhưng chủ đề Tết tràn ngập trong nhà, ngoài xóm, trên đồng. Tất cả dành cho Tết, hướng đến Tết, hỏi han nhau về Tết…, không khí chuẩn bị cho Tết rộn ràng và lan tỏa trong tâm trạng mỗi người. Ngày ấy, tôi còn nhớ, mỗi cái Tết đến đọng lại trong người lớn là nỗi lo toan, chuẩn bị cho cái Tết, còn với lũ trẻ con chúng tôi là niềm mong mỏi, háo hức. Vì Tết là được nghỉ học, được khoe áo mới, vui chơi, ăn uống thỏa thích hơn ngày thường. ở nông thôn để ăn cái Tết tươm tất phải chuẩn bị từ nhiều tháng trước.
Nhà nào cũng thả nuôi mươi con gà, con vịt để vừa bán lấy tiền tiêu Tết, vừa làm thịt cúng gia tiên trong ba ngày; còn lợn thì năm ba gia đình chung nhau làm một con, gạo nếp, đỗ xanh đều được phơi khô cất kỹ từ vài tháng trước.
Những ngày giáp Tết là thời gian tất bật, nhộn nhịp nhất. Người lớn thì lo dọn dẹp phần mộ tổ tiên, tu sửa nhà cửa, cổng ngõ; lựa chọn thực phẩm… chuẩn bị cho 3 ngày Tết.
Công việc chuẩn bị cho ngày Tết tất bật nhưng rộn rã lắm. Các bà, các chị gặp nhau ở bến nước, giếng làng, người thì giặt giũ, người cọ lá dong, nào xóc đỗ, ngâm gạo… họ chuyện trò rôm rả, xôn xao cả một góc làng. Nhà nào cũng vậy, dường như nồi bánh chưng sôi sùng sục trên bếp lửa trở thành trung tâm của cả gia đình, ở đó mọi người tập trung lại sưởi lửa, làm việc, chuyện trò…
Hàng xóm sang chơi cũng sà vào bếp, hỏi han, chuyện trò, từ người già đến con trẻ ai cũng náo nức đợi lúc vớt bánh, chuẩn bị giờ phút giao thừa. Chậu nước tắm đặt trên miệng nồi bánh chưng có hương của cây mùi già hàm ý để trừ tịch đón Tết.
Ngoài chợ, những người buôn hoa chở từng xe hoa cúc, hoa đồng tiền, thược dược, lay ơn khoe sắc rực rỡ trong nắng xuân như thúc giục lòng người. ở đó, đủ các loại hàng hóa, sản vật địa phương từ những gói lá dong, quả cau, bò táo xanh, đến những quả gấc chín… phảng phất cái nghèo, cái lo toan vất vả của nhà nông.
Tết quê xưa, vào những ngày cuối cùng của năm, làng trên xóm dưới vang lên tiếng lợn kêu eng éc. Nhiều gia đình chung nhau đụng lợn, với trẻ con chúng tôi háo hức từ lúc đặt nồi nước làm lông đến khi được cho cái đuôi lợn để gặm là niềm vui lớn.
Tết đến, trẻ con còn có một niềm vui nữa là được mua quần áo mới. Quanh năm, suốt tháng chỉ mặc toàn đồ cũ, mặc thừa, không có gì diễn tả nổi niềm vui con trẻ khi xúng xính trong bộ đồ mới. Vì thế, ông cha ta mới có câu "Già được bát canh, trẻ có manh áo mới".
Tết xưa tuy thiếu thốn nhưng rất thanh bình và ấm áp. Ngày đầu tiên của năm mới, trong gió xuân mơn man, đường làng người người đi lại từng tốp, tiếng cười tiếng nói, chúc tụng râm ran trong nhà, ngoài ngõ. Cả năm chỉ có 3 ngày Tết hội tụ đủ các yếu tố tâm linh, phong tục, sum họp gia đình, sinh hoạt cộng đồng, nghệ thuật ẩm thực, thế cho nên Tết xưa rất vui, rất được mong chờ dẫu vật chất chẳng được dồi dào.
Tuổi thơ đi qua, những cái Tết hồn nhiên cũng đi qua. Nhưng những gì về ngày Tết cổ truyền thì có lẽ không bao giờ phai nhạt. Dù cho giờ đây, khi Tết truyền thống đã phôi pha ít nhiều và mang màu sắc mới, Tết xưa vẫn là một ký ức đẹp mang một giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa tinh thần cần giữ gìn, trân trọng.
Bài, ảnh: Nguyễn Thủy