Được biết, đến nay trên địa bàn thành phố đã có 100% hộ gia đình hội viên nông dân ký cam kết nói không với thực phẩm bẩn, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn. 12/12 hội nông dân cơ sở đăng ký thực hiện mô hình nói không với thực phẩm bẩn, sản xuất thực phẩm an toàn do hộ hội viên nông dân quản lý… Đáng chú ý là không dừng lại ở việc vận động hội viên ký cam kết, Hội Nông dân thành phố đã luôn thể hiện vai trò đồng hành trong quá trình sản xuất, kinh doanh của hội viên. Theo lãnh đạo Hội: Cách làm này hướng tới việc "Nói không với thực phẩm bẩn" một cách bền vững, lâu dài, tránh tình trạng tuyên truyền, vận động xong để phong trào phát triển tự phát.
Thực tế thời gian qua Hội đã có những tác động, hỗ trợ nông dân tham gia các mô hình "Nói không với thực phẩm bẩn" như tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT, vận động, hướng dẫn hộ tham gia liên kết thành lập Tổ hợp tác "sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm"; đồng thời tạo điều kiện giúp hộ liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân nguồn thành phố để phát triển sản xuất, kinh doanh… Từ năm 2013 đến nay các cấp hội đã phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức gần 1.000 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho hơn 13 nghìn lượt hội viên, trong đó những kiến thức về sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn chiếm tỷ lệ khá cao và nhận được sự hưởng ứng, trao đổi tích cực của đa số hội viên.
Để hiện thực hóa những kinh nghiệm và kiến thức mới được thu nhận trong sản xuất, kinh doanh, nông dân rất cần được hỗ trợ về vốn vay ưu đãi. Do đó, cùng với phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội còn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội nhận ủy thác cho hộ nông dân vay với số tiền hơn 27 tỷ đồng; tín chấp mua hơn 200 tấn phân bón trả chậm cung ứng cho nông dân trị giá gần 1 tỷ đồng, góp phần giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trước thực tiễn phát triển của thành phố với việc đặt ra yêu cầu về chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với đô thị, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao và đặc biệt là đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội đã tích cực xây dựng các mô hình kinh tế tập thể phù hợp mà nòng cốt là Các cấp hội đã xây dựng, thành lập và phát triển 1 HTX, 19 tổ hợp tác và 28 tổ liên kết, nhóm liên kết hộ gia đình. Thông qua đó, nông dân có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ nhau về pháp lý, vốn, giống, kinh nghiệm sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Thực tế, một số mô hình đã cho hiệu quả thấy rõ. Trong đó các mô hình liên quan đến sản xuất thực phẩm an toàn chiếm ưu thế, điển hình như: mô hình chăn nuôi tổng hợp và dịch vụ thức ăn gia súc, gia cầm ở Ninh Phong, Ninh Tiến, Ninh Nhất; sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm ở Nam Thành…
Thời gian qua, Hội nông dân thành phố cũng đã trực tiếp xây dựng, triển khai các mô hình thuộc đề án "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn" đó là: Mô hình trồng hành hoa và rau các loại tại xã Ninh Phúc, mô hình sản xuất bún, bánh tại phường Nam Thành; "Gian hàng giới thiệu và tiêu thụ hàng nông sản an toàn" tại phường Đông Thành.
Đào Duy