Gia đình chị Vũ Thị Được ở thôn 2, xã Phú Sơn (Nho Quan) là gia đình tiêu biểu của thôn trong việc giữ gìn hòa thuận, đoàn kết. Chị Được luôn giữ trọn vai trò người con hiếu thảo, một người vợ đảm đang và một người mẹ hết lòng vì con cái. Đặc biệt từ khi tham gia các buổi sinh hoạt của CLB phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) của thôn, chị được nắm bắt, tiếp thu cụ thể hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng gia đình văn hóa. Chị cũng mạnh dạn áp dụng KHKT mới vào sản xuất, chăn nuôi, do đó chất lượng sống của gia đình được nâng lên. Chị Nguyễn Thị Hiên, Chủ nhiệm CLB PCBLGĐ của thôn 2, xã Phú Sơn (Nho Quan) cho biết: CLB duy trì số lượng 15-20 thành viên từ năm 2009 đến nay. Mỗi tháng, CLB sinh hoạt một lần với một chủ đề cụ thể như: Chuẩn mực của người phụ nữ trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước; các bộ luật về bình đẳng giới, luật hôn nhân gia đình, pháp lệnh dân số, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc… Khi sinh hoạt, CLB lồng ghép bằng nhiều hình thức như xây dựng tiểu phẩm, đố vui, tổ chức các hoạt động thi đua giữa các tổ nhóm... Các nội dung đều liên quan đến đời sống thực tiễn đang diễn ra tại gia đình, địa phương, qua đó thu hút được hội viên tham gia sinh hoạt, tạo được sự gắn bó mật thiết trong các thành viên.
Từ mô hình điểm về PCBLGĐ tại xã Phú Sơn, đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra nhiều xã, phường trong tỉnh. Toàn tỉnh có trên 800 CLB, nhóm PCBLGĐ. Những nội dung về PCBLGĐ cũng được lồng ghép vào hoạt động của trên 1.600 tổ hòa giải, trên 1.200 CLB xây dựng gia đình phát triển bền vững. Thông qua các mô hình, các thành viên, hội viên đã nắm rõ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng gia đình văn hóa, tham gia các hoạt động xã hội, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình. Hiệu quả hoạt động từ các mô hình PCBLGĐ thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc xây dựng gia đình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Đồng chí Nguyễn Thị Tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Mô hình PCBLGĐ chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động của Hội phụ nữ các cấp phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nhằm không ngừng nâng cao vị thế, trách nhiệm và sự bình đẳng, tiến bộ của người phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội. Những năm qua, Hội LHPN các cấp đã tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức mọi mặt cho phụ nữ, nhất là kiến thức về pháp luật, thông qua các hội nghị chuyên đề, tập huấn, diễn đàn, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Hội và một số ngành có liên quan với hội viên; tư vấn trợ giúp pháp lý cho phụ nữ. Đặc biệt quan tâm lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề mới phát sinh, phản ánh, đề xuất kịp thời với cơ quan có thẩm quyền, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.
Cùng với đó, các cấp Hội thực hiện có hiệu quả công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc 5 không, 3 sạch, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong gia đình. Hội LHPN các cấp chủ động nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững theo hướng tăng cường nhân diện và xây dựng mới các mô hình "Dân vận khéo", mô hình liên kết sản xuất, dịch vụ hiệu quả; hỗ trợ điều kiện, phương tiện sản xuất, xây dựng mái ấm tình thương, giúp hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình vay vốn cho hội viên để phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường. Xây dựng các mô hình để hỗ trợ phụ nữ chăm sóc gia đình và tư vấn, hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực.
Hiện nay, các cấp Hội đang quản lý số vốn hơn 1 nghìn tỷ đồng, cho gần 75 nghìn người vay, trong đó có 1/3 là phụ nữ khó khăn và đã giúp 353 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ thoát nghèo. Đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 155 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở, trị giá gần 7 tỷ đồng. Đồng thời nhân rộng các mô hình "Đưa đón trẻ đến trường", "Nhóm giúp việc gia đình" tại 9 xã, phường thuộc thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp và huyện Yên Mô; xây dựng và duy trì hoạt động 34 góc tư vấn, 984 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực.
Hội LHPN tỉnh cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho chi hội phụ nữ thuộc các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh (với mức từ 1 đến 1,6 triệu đồng/năm); chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nữ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; chính sách hỗ trợ 2 tạ xi măng/hộ cho 12.161 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; đồng thời phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội của tỉnh đề xuất hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các chi hội đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố (bằng 0,4 mức lương tối thiểu chung/tháng/5 chi hội đoàn thể) và các đề xuất khác nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ thông qua hoạt động giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách về bình đẳng giới, hoạt động phản biện xã hội, hoạt động đối thoại và hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý.
Với sự phát huy nội lực của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ và với sự hỗ trợ của tổ chức Hội, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh đã có trên 81,5% số hộ gia đình hội viên đạt 8 tiêu chí cuộc vận động "Xây dựng gia đình hạnh phúc 5 không, 3 sạch"; 89,5% hội viên đạt danh hiệu "Phụ nữ tiên tiến". Kết quả đó góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, giảm dần khoảng cách bất bình đẳng của 2 giới.
Hướng tới sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ, nhất là bình đẳng trên các lĩnh vực chính trị, việc làm, kiến thức, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phát huy kết quả đã đạt được, đổi mới nội dung, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của Hội nhằm mục tiêu vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Theo đó, trước mắt, năm 2016 là năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Hội phụ nữ các cấp cần phối hợp cùng với ủy ban MTTQ các cấp tham mưu để có đại diện của Hội LHPN hoặc Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ trong ủy ban bầu cử các cấp. Tham mưu đảm bảo tỷ lệ nữ trong các vòng hiệp thương, tổ chức tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử và động viên nhân dân tham gia tích cực vào công tác bầu cử. Phối hợp để nâng cao nhận thức của cử tri về yêu cầu và sự cần thiết có sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh… Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ đại biểu trong cơ quan dân cử ít nhất là 35%.
Hạnh Chi