Phóng viên (P.V): Trong môi trường làm việc tại các Khu Công nghiệp có tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người lao động nên rất khó thực hiện khuyến cáo không tụ tập đông người cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Vậy tổ chức công đoàn đã có giải pháp nào giúp ổn định tâm lý cũng như đảm bảo sức khỏe cho người lao động, đồng thời không làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của doanh nghiệp?
Đồng chí (Đ/c) Phùng Minh Chung: Thời gian qua, từ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Công đoàn các Khu Công nghiệp (KCN), các công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến từng đoàn viên, công nhân lao động (CNLĐ) để họ nhận thức rõ tính chất nguy hiểm và tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19; thông tin kịp thời, chính xác để nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm cho đoàn viên, CNLĐ chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Hình thức tuyên truyền được thay đổi linh hoạt theo từng giai đoạn của dịch bệnh, trong đó ưu tiên tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh tại các nhà xưởng, qua hệ thống mạng xã hội của tổ chức công đoàn vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất vừa tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh. Hình thức tuyên truyền này cũng đã nhận được sự đồng tình của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp. Ngay bản thân mỗi người lao động cũng đã ý thức tốt các biện pháp phòng bệnh từ nhà, trên đường đi làm và đến nơi làm việc.
Cùng với đó, Công đoàn các KCN tỉnh cũng yêu cầu các CĐCS phối hợp với Ban Giám đốc trang bị bảo hộ lao động, khẩu trang y tế trong quá trình tham gia sản xuất, đảm bảo các nguồn thực phẩm đã được kiểm soát nghiêm ngặt phục vụ các bếp ăn tập thể cho đoàn viên, CNLĐ...
Theo đó đã có rất nhiều doanh nghiệp chủ động có các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như trang bị các thiết bị cảm ứng nhiệt, nước rửa tay, phát khẩu trang miễn phí, phun thuốc khử trùng với kinh phí lên tới hàng trăm triệu đồng, điển hình như Công ty TNHH MCNex Vina (Khu Công nghiệp Phúc Sơn), Công ty TNHH May áo cưới thời trang chuyên nghiệp (Khu Công nghiệp Khánh Phú)… 100% đoàn viên, CNLĐ tại các đơn vị đeo khẩu trang trong quá trình làm việc.
P.V: Ngoài những tác động về tâm lý, sức khỏe, đồng chí đánh giá như thế nào về những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến đời sống việc làm của người lao động trong các KCN trên địa bàn tính đến thời điểm này?
Đ/c Phùng Minh Chung: Dịch bệnh COVID-19 kéo dài trong thời gian qua đã khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bị ngưng trệ, đời sống người lao động gặp khó khăn… Hiện nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với các vấn đề thiếu hụt nguyên, phụ liệu và hơn nữa là thị trường Châu âu, Châu Mỹ tạm "đóng băng" chưa biết khi nào sẽ trở lại bình thường nên nhiều đơn hàng đã bị hủy, hàng hóa chất đống trong kho.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp dệt may là một trong những đối tượng phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó mỗi công ty may mặc thường có số lao động rất đông từ vài trăm đến vài nghìn người. Duy trì việc làm cho số lao động này thực sự đang là bài toán khó đối với doanh nghiệp. Theo báo cáo mới đây của các CĐCS thì đã có tới hơn 10 nghìn lao động phải nghỉ việc tạm thời, nghỉ luân phiên, nghỉ không lương, thậm chí có cả số lao động phải chấm dứt hợp đồng.
P.V: Như đồng chí vừa chia sẻ, hiện đã có hàng nghìn lao động bị mất việc, nhiều lao động khác đang hoạt động cầm chừng, kéo theo đó là những vấn đề liên quan đến chế độ tiền lương, chế độ bảo hiểm… Công đoàn các KCN tỉnh đã vào cuộc như thế nào để góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động?
Đ/c Phùng Minh Chung: Quả thật những biến động tiêu cực về tình hình việc làm, đời sống của công nhân lao động thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh đang là nỗi trăn trở của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là tổ chức công đoàn. Những ngày qua bằng nhiều cách khác nhau với phương châm hướng mạnh về cơ sở, chúng tôi đã tăng cường công tác nắm tình hình ở từng doanh nghiệp, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn của người lao động.
Trong đó, các cấp công đoàn đã và đang tiến hành thống kê sơ bộ số lao động nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những lao động phải thuê nhà trọ… để kịp thời báo cáo công đoàn cấp trên tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp có sự hỗ trợ chính xác, đầy đủ.
Mặt khác các CĐCS cũng đẩy mạnh việc tư vấn, giải thích, hỗ trợ công nhân kiến thức về Luật Lao động, từ đó có thể tự bảo vệ quyền lợi của chính mình và sẻ chia, hợp tác với doanh nghiệp trong giải quyết các vấn đề liên quan, tránh bị xúi giục hoặc có những hành động tự phát gây mất ổn định tình hình.
Đồng thời, Công đoàn các KCN thường xuyên hướng dẫn, phối hợp tham gia giám sát các doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật lao động (Bộ luật Lao động, Công văn hướng dẫn của Bộ Lao động về thực hiện các chế độ đối với NLĐ). Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này đa số các doanh nghiệp đang thực hiện cơ bản đầy đủ quy định của pháp luật về vấn đề việc làm, tiền lương cho người lao động.
P.V: Mới đây Chính phủ đã có Nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn vì dịch COVID-19, trong đó có đối tượng người lao động bị mất việc. Khi được thông tin về gói hỗ trợ này, công nhân tại các KCN đã đón nhận như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Phùng Minh Chung: Lần đầu tiên, Chính phủ ban hành một gói hỗ trợ quốc gia về an sinh xã hội có quy mô 62.000 tỷ đồng bằng tiền mặt để hỗ trợ kịp thời cho hàng triệu người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Có thể nói, đây là nỗ lực chưa từng có tiền lệ, mang tính cấp bách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành cho người dân, doanh nghiệp, người lao động trong cơn hoạn nạn, giúp họ chia sẻ bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Theo Nghị quyết của Chính phủ, người lao động phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng…
Đây thực sự là nguồn động viên lớn lao không những về vật chất mà còn là sự thấu hiểu, sẻ chia về tinh thần với người lao động. Tất cả đều cảm thấy ấm lòng trong lúc khó khăn nhất. Hơn lúc nào hết, người lao động bị nghỉ việc, mất việc, người yếu thế đang ngóng trông từng ngày gói hỗ trợ sớm đến, bởi cuộc sống của họ không thể chờ đợi thêm nữa.
Cùng chung tay để không ai bị bỏ lại phía sau, chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia triển khai hiệu quả Nghị quyết này, đồng thời huy động thêm các nguồn lực trao quà hỗ trợ cho công nhân; vận động chủ nhà trọ giảm tiền phòng cho người lao động…
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Duy (Thực hiện)