Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, những năm gần đây, thành phố Ninh Bình đã chú trọng hơn tới công tác dạy nghề, nhất là dạy nghề nông thôn theo hình thức đào tạo ngắn hạn, truyền nghề.
Đến thăm Trung tâm dạy nghề thành phố Ninh Bình, nhiều người có cảm giác nơi đây có vẻ "ăn nên làm ra" bởi nhà cửa, trang thiết bị làm việc khá khang trang, đồng bộ.
Ông giám đốc Đinh Kim Đoàn nói như phân trần: Nhờ sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, thành phố, chúng tôi mới có được cơ ngơi này, nhưng phía trước chúng tôi cũng còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, Trung tâm có 7 cán bộ (4 cán bộ hợp đồng). Nếu muốn mở một khóa đào tạo nghề, Trung tâm phải thuê giáo viên, thuê máy móc, thiết bị, trong khi đó nguồn kinh phí dành cho đào tạo nghề chỉ có hơn 200 triệu đồng (năm 2007) và 175 triệu đồng (năm 2008).
Nhiều phường của TP Ninh Bình phát triển nghề thêu chăn bông. Ảnh: P.H
Để khắc phục khó khăn, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để làm tốt công tác đào tạo nghề. Ví dụ phối hợp với Doanh nghiệp Minh Trang dạy nghề khâu chăn bông; phối hợp với Doanh nghiệp Quỳnh Giang dạy nghề đan bèo bồng, đan cói; phối hợp với Doanh nghiệp Đức Huân dạy nghề may.
Chỉ tính riêng năm 2007, Trung tâm đã mở được 8 lớp dạy nghề với gần 400 lao động theo học. Số lao động được học nghề tập trung chủ yếu ở các xã, phường có diện tích thu hồi đất nông nghiệp nhiều như: Ninh Nhất, Ninh Khánh, Ninh Phúc...
Cũng với mô hình đào tạo nghề gắn với các doanh nghiệp và nhu cầu thị trường, bước sang năm 2008 Trung tâm tiếp tục phối hợp với Doanh nghiệp Quỳnh Giang mở 1 lớp chế tác đá mỹ nghệ cho 20 lao động; phối hợp với Doanh nghiệp đóng tàu Khánh Phú mở 1 lớp hàn điện cho 37 lao động. Số học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được các doanh nghiệp trên địa bàn nhận vào làm việc, khắc phục được tình trạng lệch pha giữa đào tạo và thực tiễn, gây tốn kém tiền của cho Nhà nước và bản thân đối tượng học nghề.
Ông Đinh Kim Đoàn, giám đốc trung tâm cho biết: Việc dạy nghề gắn với các doanh nghiệp là hướng đi mới trong công tác đào tạo nghề. Hàng năm, căn cứ vào kết quả khảo sát của thành phố và nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, Trung tâm sẽ có kế hoạch tổ chức chiêu sinh, mở lớp. Ngoài việc được bố trí việc làm tại các doanh nghiệp, Trung tâm cũng đỡ phần chật vật trong việc thuê nhà xưởng, giáo viên mở lớp.
Hiện nay, Trung tâm còn phối hợp với một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức lớp đào tạo nghề, học tiếng cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây cũng là hướng đi sẽ được Trung tâm quan tâm trong thời gian tới. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, kết quả đào tạo nghề hiện nay của Trung tâm còn khá khiêm tốn, mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn.
Chính vì vậy, Trung tâm rất cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, trong đó có thành phố Ninh Bình, nhằm đẩy mạnh công tác dạy nghề, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.
Đức Huy