Tuy nhiên, công tác dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đòi hỏi các cơ sở dạy nghề trong tỉnh phải có hướng đi phù hợp, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hiện nay, toàn tỉnh có 53 cơ sở dạy nghề. Trong đó, có 3 trường cao đẳng nghề (thuộc bộ, ngành), 6 trường trung cấp nghề (có 2 trường quân đội, 1 trường công lập thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, 3 trường dân lập), 26 trung tâm dạy nghề và có tham gia dạy nghề (trong đó, có 5 trung tâm cấp huyện), còn lại 16 cơ sở khác có tham gia dạy nghề, 2 trung tâm dạy nghề ở huyện Gia Viễn và huyện Hoa Lư cũng đang gấp rút xây dựng.
Đi đôi với việc tăng nhanh về số lượng, quy mô đào tạo và cấp bậc đào tạo cũng được chú trọng nâng cao. Năm 2011, các cơ sở đã đào tạo cho trên 25.000 người với các ngành nghề chính như: May, sửa chữa ô tô, xe máy, cơ khí, thêu ren... nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 30%. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 24%. Hệ thống các trường, lớp, cơ sở đào tạo nghề đã từng bước phát triển, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu học nghề.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chủ doanh nghiệp, đội ngũ lao động nói chung vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp CNH, HĐH. Thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề, có tay nghề cao... Ngay cả những lao động có trình độ cao đã được đào tạo hiện nay cũng mới chỉ đáp ứng được 15-20% yêu cầu của doanh nghiệp, nhưng phải tiếp tục đào tạo thêm 2-3 năm nữa.
Trước thực trạng trên, hiện nay, các trường dạy nghề đều có mong muốn liên kết với doanh nghiệp theo hình thức doanh nghiệp cung cấp, tài trợ một phần kinh phí đào tạo thông qua trang thiết bị máy móc, học bổng hoặc tham gia xây dựng chương trình phù hợp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh và nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, hạn chế việc đào tạo lại.
Với cách làm đó, mặc dù mới được thành lập từ năm 2008, nhưng hiện nay Trường Trung cấp nghề Nho Quan đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều học viên. Ông Hà Đức Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi xác định, đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm.
Để thực hiện được nhiệm vụ đó, chúng tôi đẩy mạnh việc liên kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo. Qua đó, nắm bắt nhu cầu, số lượng và các tiêu chuẩn của doanh nghiệp về lao động, để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có những cơ chế để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình biên soạn chương trình dạy nghề.
Vào những dịp nghỉ hè, nhà trường đã liên kết với một số doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện để các thầy, cô giáo cũng như các em học sinh được đến cơ sở sản xuất thực hành. Qua đó, tiếp cận với máy móc, quy trình sản xuất hiện đại.
Ngoài ra, nhà trường còn mời các nghệ nhân, công nhân, kỹ sư có tay nghề cao đang trực tiếp lao động sản xuất ở các khu công nghiệp, các công trường lớn về hướng dẫn thêm để học sinh nâng cao kỹ năng lao động thực tiễn.
Một giải pháp hiệu quả khác đã được một số trường như: Cao đẳng nghề cơ giới Ninh Bình, Cao đẳng nghề Lilama 1... triển khai. Đó là liên kết, hợp tác đào tạo với các trường ở những địa phương lân cận (Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội). Theo đó, nhà trường phụ trách việc quản lý học sinh và tổ chức địa điểm học, phía đối tác cung cấp giáo trình, bố trí giáo viên về dạy. Quá trình hợp tác đã cho thấy hiệu quả thiết thực với việc đào tạo được hàng trăm công nhân có tay nghề cao và nhiều giáo viên giỏi.
Từ năm 2009, Trường Cao đẳng nghề cơ giới Ninh Bình đã đào tạo ngành kế toán doanh nghiệp (liên kết với Trường Đại học Lương Thế Vinh-Nam Định), đào tạo kỹ sư công nghệ ngành cơ khí, điện kỹ thuật và giáo viên dạy nghề bậc đại học. Gần đây, nhà trường phối hợp với Trường cao đẳng du lịch Hà Nội mở thêm ngành kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ khách sạn - nhà hàng, góp phần cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho nhiều dự án du lịch ở địa phương.
Thời gian qua, tỉnh ta đã tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển hệ thống dạy nghề của tỉnh với 3 cấp: Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề. Các huyện chưa có thì tiếp tục thành lập trung tâm dạy nghề. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề phù hợp với đối tượng lao động và thị trường lao động. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015 sẽ có Trường Cao đẳng nghề Ninh Bình và có thêm 4-5 trường dạy nghề, 3-5 trung tâm dạy nghề tư thục.
Như vậy, với sự vào cuộc đồng bộ của 3 phía: Nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước, chắc chắn chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh ta sẽ được nâng lên, trở thành thế mạnh trong thu hút đầu tư.
Thu Hằng