Kim Mỹ là địa phương có truyền thống chăn nuôi, mấy năm gần đây phong trào chăn nuôi lợn nái, lợn thịt tại đây khá phát triển. Tuy nhiên, do thị trường đầu ra bấp bênh, giá lợn thịt lúc lên xuống thất thường khiến cho người chăn nuôi thực sự lo lắng. Ông Trịnh Duy Tân, Giám đốc HTX Tân Tiến là người chăn nuôi lâu năm, sau khi được tham gia tuyên truyền Luật HTX năm 2012, ông đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ và cách làm với mục đích liên kết các hộ chăn nuôi lại với nhau để tạo ra sự ổn định và phát triển lâu dài.
Ông Trịnh Duy Tân kể lại: Cách đây vài năm, chăn nuôi gặp khá nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá cả thị trường... khiến nhiều hộ chăn nuôi lao đao vì thất thu. Cũng là một hộ chăn nuôi lợn, tôi rất trăn trở làm sao để tập hợp được các hộ cùng ngành nghề, cùng giúp đỡ nhau kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ về kinh tế hoặc hỗ trợ nhau về nguồn giống và đầu ra cho sản phẩm...
Tôi đem nỗi niềm trăn trở đó bàn bạc với một số hộ chăn nuôi trong xã và mọi người cùng thống nhất tìm giải pháp, đó là thành lập một HTX chăn nuôi. HTX Tân Tiến chính thức được thành lập từ tháng 10 năm 2014, khởi đầu với 28 thành viên. Đến nay đã phát triển lên 40 thành viên, là các hộ chăn nuôi lợn tại địa bàn 5 xã: Kim Mỹ, Văn Hải, Cồn Thoi, Kim Tân, Kim Hải.
HTX có ngành nghề chính là chăn nuôi lợn thương phẩm, cung cấp lợn giống cho người dân trong xã và các vùng lân cận. Để giúp đỡ nhau phát triển, các thành viên trong HTX thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho các xã viên về kinh nghiệm chăn nuôi hoặc chủ động thông báo các thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng trừ.
Trong số các thành viên của HTX có 3 thành viên mở đại lý thuốc thú y và 3 thành viên là đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi. Đây là một lợi thế lớn, không những cung cấp các loại cám, thuốc phòng trừ dịch bệnh có chất lượng tốt mà còn với giá cả hợp lý. Những thời điểm khó khăn, các đại lý trên sẵn sàng "bán chịu" cho các xã viên, coi đó cũng là một cách để giúp đỡ nhau phát triển.
Để đảm bảo nguồn lợi kinh tế cao nhất đem đến cho các xã viên khi tiêu thụ, các cán bộ HTX chủ động tìm hiểu thông tin giá cả thị trường, thu thập thông tin giá thu mua của các lái buôn, từ đó lựa chọn nơi tiêu thụ với giá cao nhất để tối đa hóa nguồn lợi nhuận cho xã viên chăn nuôi.
Ông Tân cho biết: Trong số các thành viên của HTX, nhiều hộ đã có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm nhưng cũng có hộ mới chỉ bắt đầu việc chăn nuôi vài năm trở lại đây, bởi vậy, tiềm lực về kinh tế của các hộ rất khác nhau. Nhiều thành viên mong muốn mở rộng quy mô chuồng trại nhưng thiếu vốn.
Khi nắm bắt được thông tin, các thành viên có tiềm lực kinh tế sẵn sàng cho vay vốn để các thành viên kể trên phát triển việc chăn nuôi. Anh Phạm Văn Trinh, xóm 11, xã Kim Tân cho biết: Các thành viên trong HTX không khác gì anh em trong một nhà, quan tâm giúp đỡ nhau lúc khó khăn.
Tham gia HTX, tôi yên tâm chăn nuôi hơn bởi sự chia sẻ từ các thành viên khác, cũng như trong việc chọn cám, thuốc thú y. Nhờ sự giúp đỡ của các thành viên HTX, hiện nay đàn lợn của gia đình đã phát triển lên 40 lợn lái, 300 lợn thịt.
Vào thời điểm cuối năm 2016 vừa qua, giá lợn bị rớt sâu. Để ứng phó với tình huống đó, Ban Giám đốc của HTX Tân Tiến đề ra mục tiêu quan trọng nhất là không để các thành viên chịu lỗ. Để làm được điều đó, các cán bộ của HTX vừa tìm đầu ra cho sản phẩm với giá cả hợp lý nhất, vừa vận động các thành viên không được nản chí, tiếp tục chăm sóc lợn kỹ càng hơn.
Lợn càng rẻ, càng phải chăm - nghe qua tưởng là phi lý, nhưng không phải vậy, ông Tân chia sẻ: Nhiều hộ chăn nuôi lợn mắc phải "căn bệnh" trầm kha đó là khi giá lợn rẻ thì bỏ mặc không chăm sóc nữa, dẫn đến việc lợn bị xuống cân, giá lợn đã rẻ khi bán lại càng lỗ.
Vì vậy, dù giá lợn rẻ, chúng tôi vẫn động viên nhau chăm sóc lợn kỹ càng hơn, cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, tiêm phòng cẩn thận để tránh mắc dịch bệnh.
Chia sẻ với chúng tôi về hướng phát triển trong thời gian tới, ông Trịnh Duy Tân, Giám đốc HTX Tân Tiến cho biết: HTX sẽ phát triển sản phẩm thịt lợn an toàn, thực hiện đúng cam kết đã ký với Hội Nông dân tỉnh tháng 7 năm 2016.
Hiện tại, ông Tân cùng một số thành viên khác đang nghiên cứu thí điểm dùng thảo dược thay thế thuốc kháng sinh: Lợn thường có bệnh về đường hô hấp và đường tiêu hóa mà mật ong vẹt lại có thể chữa trị cả 2 bệnh trên.
Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu và thực hiện thí điểm. Nếu thành công sẽ không còn nỗi lo về thuốc kháng sinh nữa. Bên cạnh đó, để sản phẩm thịt lợn an toàn, các thành viên HTX Tân Tiến cũng đang tìm tòi, học cách sử dụng cám trộn ngô để tăng chất dinh dưỡng trong thức ăn cho đàn lợn.
Tin rằng, với sự đoàn kết, chung chí hướng của cả một tập thể tâm huyết với nghề chăn nuôi, HTX Tân Tiến sẽ hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi, đem lại nguồn thu nhập lớn cho các thành viên.
Bài, ảnh: Thái Học- Đức Lam