Trao đổi ý kiến với chúng tôi, GS,TS Châu Văn Minh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Viện KH và CN Việt Nam cho biết, đây là chuyến thăm và làm việc chính thức của Viện KH và CN Việt Nam theo lời mời của Tổng Giám đốc NASA, ông C.Bôn-đân. Mục đích chuyến thăm là nhằm cụ thể hóa và chuẩn bị triển khai các hoạt động được nêu trong tuyên bố chung (SOI) mà hai bên đã ký hồi đầu tháng 12-2011.
Trong chuyến thăm này, ngoài các cuộc làm việc với cơ quan nghiên cứu về biển, khoa học và môi trường (thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ), Trung tâm vũ trụ Godda, cơ sở nghiên cứu các khoa học về trái đất..., Viện KH và CN Việt Nam đã có buổi thảo luận với NASA về một số vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Ðó là hợp tác xử lý, sử dụng và chia sẻ số liệu phục vụ giám sát các thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu; các nghiên cứu dự báo về biến đổi của hệ sinh thái cũng như các ứng dụng trong quản lý và khai thác tài nguyên thiên nhiên...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện KH và CN Việt Nam), từ năm 2003 đến nay, các cán bộ của viện đã và đang tham gia dự án khảo sát nghiên cứu "son khí" trong chương trình AERONET. Ðây là hệ thống mạng trạm đo "son khí" mặt đất do NASA thiết kế bao phủ toàn cầu. "Son khí" được hình thành từ các quá trình vật lý và hóa học phức tạp trong bầu khí quyển. Cho nên nó có vai trò quan trọng trong biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính.
Các nhà khoa học cho rằng, tác động trực tiếp của "son khí" là độ phản xạ cao và tác dụng làm lạnh bề mặt (có thể giảm hiệu ứng nóng lên của khí nhà kính từ 25% đến 50%). Bởi vậy khảo sát, nghiên cứu "son khí" (độ dày quang học của "son khí", lượng hơi nước, phân bố kích thước "son khí", phân loại "son khí"...) có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá tác động của nó đến thời tiết, khí hậu ở Việt Nam. Cách đây hơn bốn năm, với mục đích đẩy mạnh việc nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của "son khí" đến khí hậu vùng Ðông - Nam Á, NASA phối hợp các cơ quan chức năng trong khu vực đã xây dựng chương trình nghiên cứu sự phản hồi ô nhiễm khí quyển khu vực Ðông - Nam Á (còn gọi là chương trình 7 SEAS). Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện KH và CN Việt Nam đã tham gia chương trình này.
Ở góc độ nghiên cứu và ứng dụng ảnh chụp từ vệ tinh, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, PGS, TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm vệ tinh quốc gia (Viện KH và CN Việt Nam) cho biết: Trong quan hệ hợp tác với NASA, bước đầu chúng ta sẽ tiến hành trao đổi các dữ liệu ảnh vệ tinh nhằm nghiên cứu và ứng dụng vào hoạt động phòng tránh thảm họa, thiên tai, tình hình biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ở Việt Nam…
Công nghệ vũ trụ, khoa học về trái đất cũng như tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu... là những vấn đề còn mới mẻ ở nước ta. Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra một cách sâu rộng, thì hợp tác về KH và CN với NASA và các tổ chức nghiên cứu quốc tế khác là tất yếu. Bởi mở rộng quan hệ hợp tác với NASA và cơ quan hàng không vũ trụ các nước, trong đó có Pháp, Nhật Bản, Bỉ... sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện "chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020" ở nước ta.
Theo Nhandan