Cùng với các lực lượng như công an, quân đội tăng cường cho các tỉnh, thành phía Nam chống dịch COVID-19, ngành Y tế Ninh Bình tiếp tục điều động thêm các cán bộ y tế hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Đây là đoàn cán bộ y tế thứ 3 của tỉnh lên đường chỉ trong thời gian ngắn từ giữa tháng 7/2021 đến nay.
Hơn cả trách nhiệm, đó là sự hi sinh, dũng cảm
Đoàn công tác gồm 30 người, trong đó có 10 bác sỹ, 20 điều dưỡng, y sĩ và kỹ thuật viên, thuộc các bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố trong tỉnh. Những chuyến công tác như thế này không còn là trách nhiệm của người thầy thuốc, mà hơn tất cả, đó là tinh thần dũng cảm, sự hi sinh cao cả của mỗi nhân viên y tế khi bước vào cuộc chiến với "giặc dịch" - mặt trận không tiếng súng nhưng nguy hiểm không kém thời chiến.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Nga, công tác tại Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp không giấu nổi những cảm xúc lo lắng, khi tăng cường cho chuyến đi này, bởi chồng chị là bộ đội, đóng quân tại tỉnh Hải Dương, làm nhiệm vụ chống dịch từ Tết đến nay chưa về nhà. Ông bà nội, ngoại ở xa, cũng đã cao tuổi, việc hỗ trợ cũng chỉ có mức độ. 2 con đang tuổi ăn tuổi lớn, bắt đầu những năm học đầu cấp THPT và THCS...rất cần sự quan tâm, chăm sóc của cha, mẹ.
"Những nỗi lo toan là có thật. Lo vào vùng dịch nguy hiểm. Lo con cái ở nhà không biết thế nào, cha mẹ già ai quan tâm chăm sóc... Tạm thời tôi nhờ bà ngoại hơn 70 tuổi từ Kim Sơn lên thành phố Tam Điệp sống cùng 2 con, bà cháu chăm sóc nhau. Việc tăng cường cho tiền tuyến miền Nam trước đó đã có những đồng nghiệp của tôi lên đường. Chúng tôi cũng đã nắm bắt tình hình thông qua nhau, biết được những khó khăn, vất vả và cả những hiểm nguy mà nhân viên y tế tuyến đầu phải gánh chịu. Nhưng khi đất nước yêu cầu, nhân dân mong muốn, chúng tôi vẫn sẽ sẵn sàng lên đường..." - chị Nga chia sẻ.
Cũng theo chị Nga và nhiều y bác sĩ trong đoàn công tác, qua nắm bắt tình hình của hơn 70 cán bộ y tế tỉnh Ninh Bình đã tham gia các đoàn công tác đợt 1, đợt 2 trước đó, nhiệm vụ của các y bác sĩ là ở tuyến đầu, trực tiếp chăm sóc, điều trị người bệnh, nên rất nặng nề và nguy hiểm. Trong khi dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, lây lan diện rộng và biến chủng phức tạp, đòi hỏi mỗi người càng phải đề cao cảnh giác, chấp nhận gian khổ, hi sinh, trợ giúp các địa phương trong thời điểm đang thiếu trầm trọng về nhân lực chống dịch...
Bác sĩ Phạm Văn Dậu, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, Trưởng đoàn cán bộ y tế tỉnh Ninh Bình tham gia công tác chống dịch COVID-19 đợt 3, tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Chúng tôi xác định rõ những khó khăn, vất vả và cả những nguy hiểm, phức tạp của dịch bệnh, nên động viên và quán triệt anh em trong đoàn nghiêm túc học hỏi, nắm bắt, thực hiện đầy đủ quy trình nghiêm ngặt trong chăm sóc, điều trị người bệnh, để đảm bảo an toàn cho bản thân, đồng nghiệp và cộng đồng.
"Các thành viên trong đoàn đều cố gắng sắp xếp công việc gia đình, dặn dò người thân và động viên nhau yên tâm lên đường làm nhiệm vụ. Chúng tôi có suy nghĩ, đây không chỉ là trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc, mà còn là sự tin tưởng, giao trọng trách của tỉnh, của ngành Y tế cho đoàn, thực hiện nhiệm vụ cao cả, đầy tự hào, nhưng cũng rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Chúng tôi xác định, sẽ đảm nhiệm và làm việc hết trách nhiệm, góp phần cùng đồng nghiệp và cả nước nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng..."- bác sĩ Dậu chia sẻ.
Bác sĩ Phạm Thị Phương Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết: Trước tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành miền Nam ngày càng có những diễn biến phức tạp, nguy hiểm, hệ thống y tế chịu áp lực lớn, hoạt động quá tải, thiếu trầm trọng nhân lực, Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế đã kêu gọi, huy động nhân lực ngành Y đã kêu gọi tinh thần tình nguyện, xung phong của các nhân viên y tế. Hiện đoàn công tác thứ 3 của tỉnh, với 30 cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng đã sẵn sàng lên đường.
Các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đều quan tâm thăm hỏi, động viên, trao những phần quà thiết thực cho đoàn công tác lên đường làm nhiệm vụ.
Để động viên tinh thần và giúp các y bác sĩ yên tâm làm nhiệm vụ, trước khi lên đường, Sở Y tế Ninh Bình đã chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các điều kiện về vật chất và tinh thần cho các thành viên trong đoàn công tác. Như tập huấn đầy đủ về quy trình chuyên môn trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19, để khi nhận nhiệm vụ, phân công vào các vị trí công việc và làm được ngay. Tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ 2 mũi cho tất cả các thành viên và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2
Đặc biệt, ngành Y tế cũng linh động và tạo điều kiện tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho những người thân của các nhân viên y tế tăng cường làm nhiệm vụ chống dịch tại các tỉnh phía Nam, như bố mẹ, vợ chồng, con cái..., giúp họ được bảo vệ và yên tâm làm nhiệm vụ. Đồng thời, Sở Y tế và các nhà hảo tâm cũng chuẩn bị đủ phương tiện, đồ dùng phòng hộ cá nhân phòng dịch cho các thành viên tự túc sử dụng trong 10 ngày, giảm khó khăn cho địa phương nơi đoàn đến làm nhiệm vụ.
Tính đến nay, tỉnh Ninh Bình có 3 đợt chi viện cho các tỉnh miền Nam, với 102 cán bộ y tế. Trong đó, đoàn thứ nhất có 42 người, xuất quân hỗ trợ cho thành phố Hồ Chí Minh chống dịch từ ngày 14/7. Đoàn thứ 2, gồm 30 người, tăng cường cho tỉnh Bình Dương vào ngày 3/8. Đoàn thứ 3, dự kiến xuất phát ngày 25/8, chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh chống dịch.
Đây là sự cố gắng và tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng của ngành Y tế Ninh Bình, bởi thực tế tại tỉnh, diễn biến dịch bệnh cũng đang có những phức tạp và thiếu nhân lực y tế làm việc.
Cũng theo bác sĩ Phạm Thị Phương Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình, điều đáng mừng và ghi nhận, là 2 đoàn công tác, chi viện trước đó của tỉnh Ninh Bình cho thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương được đánh giá rất cao. Các y, bác sĩ Ninh Bình đã làm việc hết mình, trách nhiệm, là chủ lực trong nhiều công đoạn, quy trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, được tỉnh bạn ghi nhận và trân trọng. Đây là niềm vui, động lực và cũng là trách nhiệm của ngành Y tế Ninh Bình góp sức cùng cả nước từng bước khống chế, đẩy lùi đại dịch nguy hiểm.