Theo PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Trưởng ban điều hành Dự án tiêm chủng mở rộng, ở các điểm tiêm chủng thường xuyên và các điểm tiêm chủng xã, phường ghi nhận tính an toàn của vaccine sởi- rubella do Việt Nam sản xuất và không có trường hợp gặp phản ứng nặng nào sau tiêm. Kết quả thu được cho thấy tính an toàn tương tự như vaccine sởi - rubella đã sử dụng trong giai đoạn 2014 - 2016.
Vaccine MR kết hợp sởi - rubella do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) Việt Nam sản xuất với sự hỗ trợ của Nhật Bản đã được sản xuất thành công vào năm 2016. Thành tích này ghi dấu ấn Việt Nam là một trong bốn quốc gia tại châu Á sản xuất được vaccine phối hợp sởi - rubella.
Năm 2017, vaccine "2 trong 1" được cấp giấy phép lưu hành và tháng 3-2018 được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, triển khai quy mô nhỏ tại bốn tỉnh Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và Đác Nông cho hơn 7.000 trẻ. Đến nay, đã có hơn 50 nghìn trẻ tại 19 tỉnh, thành phố được tiêm loại vaccine này.
PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng cho biết, việc sử dụng vaccine "made in Vietnam" sởi - rubella sẽ giúp giảm chi phí khi phải nhập ngoại thuốc MR. Hiện nay, dịch sởi có thời điểm bùng phát rất nguy hiểm. Từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 100 trẻ bị sởi. Đáng nói là trong số ca bệnh sởi ghi nhận của năm 2018 đến thời điểm này có nhiều trẻ dưới hai tháng tuổi đã mắc sởi, ho gà. Trong đó, dù rubella không gây bệnh lâm sàng nặng, chỉ phát ban nhưng lại gây nhiều dị tật bẩm sinh, nhất là ở các bà mẹ mang thai mà bị rubella. Vì thế, tiêm sởi - rubella giải quyết được hai vấn đề đó.
"Việc đưa vaccine sởi và rubella của Việt Nam sản xuất, thay thế hoàn toàn những vaccine nhập ngoại, sẽ phủ được rộng hơn cho đối tượng 18 tháng tuổi và những vùng nguy cơ. Trước đó, trẻ dưới 18 tháng tuổi chỉ tiêm sởi đơn", ông Trần Đắc Phu nói.
Theo Thiên Lam/Báo Nhân dân