Nụ cười hiền hậu, ông Xuyên mở đầu câu chuyện: "Tôi đã sắp sửa bước vào độ tuổi 80 nên không còn nhớ hết tất cả những gì diễn ra trong cuộc đời mình. Nhưng riêng những năm tháng gian khổ, ác liệt và hiểm nguy trong cuộc chiến tranh, tôi còn nhớ khá rõ, đặc biệt là những tháng ngày bị địch bắt, tù đày tại nhà lao Phú Quốc - những năm tháng đó tuy đớn đau, gian khổ nhưng đầy khí phách, tự hào và đó thực sự là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời tôi...".
Ông Tống Văn Xuyên sinh ra và lớn lên tại xã Ninh Tiến. Năm 24 tuổi ông được động viên vào chiến trường, bởi trước đó ông là công nhân của nhà máy gạch. Biên chế vào Trung đoàn 68, Tiểu đoàn 10, Sư đoàn 350, được giao nhiệm vụ làm công tác hậu cần, rất nhiều lần ông may mắn thoát chết, nhưng rồi một lần ông không gặp may khi địch đổ bộ càn quét tại một xã của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, một đồng đội chạy trước ông bị bắn chết, ông chạy ngay sau thì bị bắn trọng thương và sa vào tay giặc.
Sau khi cứu chữa vết thương, ông Xuyên được chuyển vào một trại giam ở Đà Nẵng. Địch dùng nhiều nhục hình để tra tấn nhưng trước sau ông Xuyên chỉ nói bí danh là Nguyễn Hỏa Năm và khai được giao nhiệm vụ đi tăng gia sản xuất, không biết ai, không liên lạc với ai. Bị liệt vào hạng không thể cải tạo được, tháng 11/1969, ông Tống Văn Xuyên bị đày ra nhà lao Phú Quốc, nơi được xem là chốn "địa ngục trần gian", nơi có những tên cai ngục được mệnh danh là "lũ quỷ đội lốt người".
Tại đây, ông được giam vào trại B2, sau đó chuyển sang trại B3 và cũng như những người chiến sĩ cộng sản khác bị giam cầm tại đây, không ít lần ông được "nếm" và chứng kiến cảnh cai ngục dùng các hình thức tra tấn dã man từ trung cổ đến hiện đại đối với các tù nhân cộng sản. Ông cũng bị chúng tra tấn bằng cách gí điện, gõ búa đinh vào 2 đầu gối và mắt cá chân, cho đến bây giờ, 2 đầu gối của ông vẫn lỗ chỗ những vết lõm sâu-dấu tích của nhục hình tàn bạo ở nhà tù Phú Quốc để mấy chục năm nay ông không thể đi lại được bình thường.
Kể lại kỷ niệm về lần bị nhốt vào chuồng cọp, mắt ông Xuyên rơm rớm. Ông cho biết, nguyên nhân của việc ông bị nhốt vào chuồng cọp là do, trong những lần xếp hàng điểm danh ông bắt chuyện được với một tên lính canh người gốc Kim Sơn di cư vào Nam từ năm 1954. Qua vài lần trò chuyện giữa các vòng gác (khoảng nửa tháng 1 lần), ông nhận thấy đó là tên lính có thể làm công tác tư tưởng, vận động được nên định bụng qua tên lính này lên kế hoạch cùng các đồng chí trong trại tổ chức vượt ngục.
Một lần đến phiên gác của tên lính, ông nhận được bức thư của anh ta, chưa kịp đọc hết đã phải cất vội vào kẽ của mái nhà bởi ánh mắt cú vọ, cáo già của những tên cai ngục. Vậy mà chưa có dịp đọc nốt bức thư đã bị chúng phát hiện ra và cho gọi ngay ông lên để thẩm tra. Ông một mực kêu không biết, chỉ khai những điều ông đã từng khai như hàng chục lần trước. Hình như bức thư cũng không có gì, chỉ là sự kể lể về hoàn cảnh bắt buộc, khổ cực do ép phải đi lính phục vụ cho quân đội Mỹ - Ngụy, nỗi niềm thương cảm, xót xa đối với những người tù cộng sản cùng quê hương, giống nòi…. Không khai thác được gì, trước sự kiên trì, gan góc của người chiến sỹ cộng sản, chúng tống ông vào chuồng cọp.
Nằm trong chuồng cọp 1 tuần, vốn thân hình đã gầy gò, nhỏ bé, chúng lại bắt ông cởi trần, nằm ngoài trời mưa nắng, sương đêm, mỗi bữa chỉ cho 1 nắm cơm, thân hình ông chỉ còn da bọc xương. Đến ngày thứ 7 thì ông ngất lịm, người nhũn như tàu lá, chúng mới cho về buồng giam, đồng chí, đồng đội tưởng ông không qua khỏi… Về buồng giam, được đồng chí nhường cơm, sẻ nước, chăm sóc tận tình, dần dần ông hồi phục, hàng tháng sau ông vẫn phải nằm gác chân lên tường để cơ thể đỡ đau đớn, nhức mỏi. Ông Xuyên cho biết, sau đó ông không lần nào được gặp lại tên lính canh ấy, cũng không biết anh ta có bị trừng phạt gì không?
Ông Xuyên còn nhiều lần chứng kiến cảnh địch tra tấn các đồng chí, đồng đội cùng nhà giam một cách kinh hoàng, khủng khiếp, như dùng đinh đóng vào sọ, vào đầu gối, đục răng…; thậm chí là cảnh chúng đào hố chôn sống tập thể một lúc mấy chục chiến sĩ của ta để thị uy… Ngoài ra là cảnh các tù binh phải nằm chen chúc những nơi bẩn thỉu; phải ăn cơm thiu, cá thối, uống nước bẩn, ít được tắm rửa; thường xuyên đối mặt với các loại dịch bệnh như kiết lỵ, thương hàn, lao phổi... Do đó, nhiều chiến sĩ bị địch đánh đập, tra tấn không chết nhưng cuối cùng lại chết vì dịch bệnh.
Đối với người thương binh-chiến sĩ cộng sản bị địch bắt, tù đày Tống Văn Xuyên, ngày 7-3-1974 là ngày vui nhất trong cuộc đời vì đó là ngày những tù binh Phú Quốc được Mỹ-Ngụy trao trả. Sau khi được nghỉ an dưỡng tại trại thương binh Tuyên Quang, ông Xuyên trở về quê hương, tiếp bước con đường binh nghiệp tại Tỉnh đội Hà Nam Ninh, rồi chuyển về Tỉnh đội Ninh Bình và hiện nghỉ chế độ mất sức tại xã Ninh Tiến. Với ý chí của người chiến sĩ cộng sản bị địch bắt tù đày, mang đầy bệnh tật trong người, nhưng ông Xuyên luôn tâm niệm, được sống, được trở về đã là một hạnh phúc, do đó ông luôn sống chân thành, tình cảm với anh em, đồng chí, đồng đội và gương mẫu nuôi dạy con cái trở thành người có ích cho xã hội…
Ông Tống Văn Xuyên xúc động cho biết: "Tôi đã trải qua địa ngục trần gian, nhưng vẫn may mắn được trở về, còn bao đồng đội, đồng chí đã hi sinh, bỏ xác tại nhà lao Phú Quốc. Tôi sẽ không bao giờ quên những đồng chí, đồng đội năm xưa. Xin gửi lời tri ân đến các anh em-những tù binh ở nhà lao Phú Quốc-những liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc…".
Mỹ Hạnh