Dự hội thảo có đại diện Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo các Hội VHNT, các văn nghệ sỹ, nhà nghiên cứu văn hóa đến từ các tỉnh là các vùng Kinh đô xưa và nay gồm: Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh Bình và Thủ đô Hà Nội; đông đảo các văn nghệ sỹ Ninh Bình.
Hội thảo là một trong nhiều chương trình hợp tác và phát triển 5 vùng Kinh đô Việt Nam xưa và nay, góp phần thúc đẩy sự gắn kết, sáng tạo, tìm tòi, kế thừa và phát triển trong các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật các vùng kinh đô. Đại diện hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình trong tham luận của mình đã khẳng định: Ninh Bình với vị thế là Kinh đô của nước Đại Cồ Việt, là nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, đã đóng vai trò là bệ đỡ, là quê hương sản sinh nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc như Ninh Tốn, Ninh Ngạn, Trương Hán Siêu, Vũ Duy Thanh, Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật... Các tác phẩm của họ đã có giá trị cống hiến, vun bồi cho kho tàng văn hóa Ninh Bình suốt trong một thời kỳ dài của lịch sử.
Nhiều ý kiến tại hội thảo đã góp phần tôn vinh, khẳng định vị thế của văn học nghệ thuật các vùng Kinh đô trong đời sống xã hội từ quá khứ cũng như đời sống hiện đại.
Hội thảo cũng là dịp để các nghệ sỹ giao lưu, học hỏi, lắng nghe ý kiến lẫn nhau, để bổ sung, hoàn thiện các tư liệu lịch sử văn hóa về các vùng kinh đô, cũng như những giá trị đóng góp trong lịch sử và trong thời kỳ hiện đại. Hội thảo đã dành nhiều thời gian tham luận về đặc trưng văn hóa các vùng miền, văn hóa mỗi vùng Kinh đô, vị thế của các vùng Kinh đô trong mỗi thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như các đóng góp của các thành tố văn hóa đó đối với tiến trình lịch sử dân tộc; ý nghĩa của các sáng tác thời hiện đại đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa con người các vùng Kinh đô xưa và nay...
Mai Phương