Đồng chí Trương Đức Lộc, TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, đại diện Thường trực, Trưởng ban tổ chức các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc.
Tại hội thảo, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã trình bày dự thảo "Đề án thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh". Trong đó nêu: Qua khảo sát ở 47 cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh hiện nay có 445 phòng, ban và tương đương thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã, cơ quan Đảng ủy khối cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh và các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh với 1.097 đồng chí cấp trưởng, phó phòng; có 574 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã với 1.528 đồng chí cấp trưởng, phó phòng.
Nhìn chung, đội ngũ lãnh đạo, quản lý được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, có phẩm chất đạo đức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, so với yêu cầu một số cán bộ lãnh đạo cấp phòng và tương đương còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế.
Thực tế nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm ở một số tỉnh, thành phố đã tổ chức thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý và qua việc thi thử chức danh lãnh đạo đối với đơn vị sự nghiệp ngành giáo dục thành phố Ninh Bình cho thấy việc tổ chức thi tuyển có nhiều ưu điểm và đạt được kết quả tốt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình thống nhất cao.
Do vậy, việc tổ chức thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo cấp phòng và tương đương ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp là một giải pháp quan trọng trong định hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ của tỉnh.
Các ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan, đơn vị tại hội thảo đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo của Ban soạn thảo Đề án. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích các nội dung được nêu trong Đề án. Phần lớn các ý kiến tập trung làm rõ về phạm vi áp dụng, đối tượng thi tuyển; thống nhất cao với phương án giới hạn đối tượng thi tuyển trong phạm vi cơ quan, đơn vị tổ chức thi tuyển, nội dung và hình thức thi tuyển. Một số đại biểu đề nghị cần xem xét, làm rõ các điều kiện, tiêu chuẩn về: trình độ đào tạo, tiêu chuẩn chính trị và thời gian công tác đối với các ứng viên tham gia thi tuyển…
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Trương Đức Lộc, TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định, việc thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo quản lý cấp trưởng, phó phòng ở các cơ quan, đơn vị nhằm mục đích lựa chọn được những người có đức, có tài, có năng lực nổi trội để bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Qua việc thi tuyển, tạo cơ hội cho công chức, viên chức thể hiện khả năng của mình, trên cơ sở đó chọn đúng người, giao đúng việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Đối với các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ban Tổ chức, Ban soạn thảo Đề án nghiêm túc tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, thống nhất chọn ra phương án phù hợp, khoa học nhất để hoàn chỉnh dự thảo Đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.
Thùy Phương