Dự hội thảo- tập huấn có đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội; đại diện Sở Lao động, thương binh và xã hội, phóng viên, biên tập viên các địa phương: Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình. Phát biểu khai mạc tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết: Chỉ tiêu tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp là một chỉ tiêu đặc biệt quan trọng trong mục tiêu "Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị" của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020".
Thực tế Việt Nam trong hoạt động của Quốc hội và HĐND cho thấy, mặc dù hiện nay tỷ lệ nữ đại biểu còn phổ biến dưới 30% nhưng các đại biểu nữ đã mang đến diễn đàn chính sách ở trung ương cũng như địa phương những vấn đề, ý kiến, quan điểm gây sự chú ý về tầm quan trọng của vấn đề, về tác động xã hội, các góc nhìn về giới, các vấn đề của phụ nữ....
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song Việt Nam đã và đang từng bước nỗ lực thúc đẩy thực hiện cam kết quốc tế thông qua việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung, về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng.
Đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói chung, trong hệ thống các cơ quan dân cử nói riêng. Hiện tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII đạt 24,2%, tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện là 24,6%, cấp xã là 21,71%...
Hội thảo đã nghe tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giới thiệu về tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại hội thảo, các học viên đã chia nhóm thảo luận theo nội dung cần truyền thông đến 3 nhóm đối tượng: nhóm trực tiếp làm công tác bầu cử, nhóm nữ ứng cử viên và nhóm cử tri. Nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề: Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong tham chính với đối tượng người xây dựng chính sách và trực tiếp thực hiện công tác bầu cử; nâng cao hiểu biết về vai trò, vị trí của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo, quản lý, giảm thiểu định kiến giới và tích cực ủng hộ phụ nữ tham chính của đối tượng cử tri; truyền thông góp phần khích lệ nhóm đối tượng là nữ ứng cử viên tự tin về vai trò, khả năng lãnh đạo, phát huy hết khả năng trong hoạt động tham chính, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội...
Thông qua hội thảo nhằm khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông trong việc hỗ trợ nâng cao nhận thức cho các nhà hoạch định chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết phải tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói chung, các cơ quan dân cử nói riêng.
Lý Nhân