Dự hội thảo có các đồng chí PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật TƯ; PGS. TS Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên DKT.Ư Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Bộ Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT; Lao động và Thương Binh Xã hội; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã; Trưởng, Phó các sở, ban, ngành của tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh sau 20 năm tái lập, Ninh Bình đã trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển khá, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố và phát triển. Những bài học kinh nghiệm được và chưa được của Ninh Bình cần được tổng kết, khái quát, trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển KT- XH của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo, góp phần vào công tác tổng kết lý luận của Đảng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn nhận được sự đánh giá, đóng góp ý kiến thẳng thắng, sâu sắc của các nhà khoa học, nhà lãnh đạo quản lý các cấp từ Trung ương đến địa phương để tỉnh phát huy những thành quả đã đạt được, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, duy trì và đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế đảm bảo nhanh và bền vững sớm đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung đánh giá những thành tựu to lớn, nổi bật mà Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã đạt được trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị sau 20 năm tái lập; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; những tiềm năng, thế mạnh cần khai thác, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn đóng góp vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, tiếp tục đưa Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tiếp theo.
Trong đó, các ý kiến đều thống nhất nhận định, sau 20 năm tái lập, trên con đường đổi mới và phát triển, Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc về phát triển KT- XH, có sự chuyển biến về chất trên tất cả các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực đưa Ninh Bình từ một tỉnh thuần nông sang tỉnh công nghiệp và dịch vụ. 20 năm trước, cơ cấu kinh tế Ninh Bình chủ yếu là nông - lâm - ngư nghiệp với tỷ trọng trên 62,9%, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chỉ chiếm một tỷ trọng khá nhỏ khoảng 37%, đến năm 2011, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã thay đổi về chất với công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng tới 85%, nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm 15%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao so với cả nước, đạt bình quân 13%/năm trong suốt 20 năm qua, thu ngân sách tăng gấp 84,8 lần so với năm 1992, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,91 triệu đồng. Sản suất công nghiệp phát triển với tốc độ nhanh, năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, tăng 42 lần so với năm 1992; kim ngạch xuất khẩu bình quân mỗi năm tăng hơn 28%, đạt gần 264 triệu USD. Qua 20 năm tái lập, kết cấu hạ tầng KT- XH của tỉnh, đặc biệt là các mặt giao thông, thủy lợi, điện năng phát triển đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH. Các tuyến Quốc lộ 1A, 10, 477 được Trung ương đầu tư cải tạo; hơn 1.700 km đường giao thông nông thôn được đầu tư kiên cố hóa.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế, trong những năm qua, y tế, giáo dục và các lĩnh vực xã hội khác được từng bước củng cố, phát triển, đảm bảo sự hài hòa giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Công tác giảm nghèo được đặc biệt quan tâm với việc ban hành nhiều chính sách nhằm giảm nghèo bền vững, hiệu quả, đến năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 9,86%. Công tác quốc phòng, an ninh trên địa bàn được tăng cường, giữ vững đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân, tạo dựng môi trường xã hội lành mạnh. Hệ thống chính trị được củng cố, chất lượng hoạt động được nâng lên; phương thức lãnh đạo, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên đáp ứng yêu cầu trong chiến lược phát triển toàn diện của tỉnh. Công tác xây dựng Đảng được tập trung chỉ đạo toàn diện trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn đảng và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt được những kết quả quan trọng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ. Đến năm 2011, cả tỉnh có 87,5% tổ chức cơ sở Đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh việc làm rõ những kết quả đã đạt được, tham luận của các nhà khoa học, nhà lãnh đạo quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở cũng đã nghiên cứu, bao quát khá toàn diện về cả lý luận và thực tiễn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Tập trung trả lời những câu hỏi tại sao kinh tế Ninh Bình tăng trưởng khá nhưng chưa thực sự ổn đinh và bền vững? thu hút vốn đầu tư còn thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao? những hạn chế, yếu kém trong thực hiện nếp sống văn minh ở các khu, điểm du lịch…
Các tham luận cũng đã kiến giải nhiều góc độ, nhiều khía cạnh cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, giải pháp cụ thể cho từng ngành từng lĩnh vực được tổng kết từ thực tiễn của nhiều địa phương trong cả nước. Đó là những giải pháp về mô hình tăng trưởng xanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài và các khu, cụm công nghiệp; phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phát triển kinh tế biển; giải pháp thực hiện tốt vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhất là xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị; giải pháp phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm…
Phát biểu kết luận hội thảo đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh các bài tham luận tại hội thảo đã đưa ra những gợi mở hết sức quý báu giúp đội ngũ lãnh đạo tỉnh nghiên cứu vận dụng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh; vừa phát huy nội lực vừa phát huy ngoại lực, đồng thời tạo sự liên kết khu vực, liên liên kết vùng trong sự phân công hợp tác, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hội thảo Ninh Bình - 20 năm đổi mới và phát triển cũng đã góp phần làm rõ thêm những nhận thức mới, tạo thêm niềm tin, động lực thúc đẩy phong trào thi đua của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đưa Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.
Quốc Khang