Ngày 8/5, tại khách sạn Hoàng Sơn (thành phố Ninh Bình), Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo khoa học cấp bộ về nhận diện những vướng mắc, bất cập của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Tư pháp, Ban Nội chính Trung ương, TAND tối cao, ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Viện khoa học pháp lý, lãnh đạo các ngành, đơn vị liên quan của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định...
Hội thảo nhận diện những vướng mắc, bất cập của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nướcTại hội thảo, các đại biểu thảo luận 7 chuyên đề liên quan đến Luật Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhằm đánh giá về tình hình thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thời gian qua và làm rõ hơn những vướng mắc, bất cập của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, từ đó nêu ra những đề xuất, kiến nghị. Qua gần 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đến nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai công tác bồi thường Nhà nước trên phạm vi cả nước và đạt được kết quả trên cả hai mặt là giải quyết bồi thường và thực hiện quản lý Nhà nước về công tác bồi thường, tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực về công tác bồi thường Nhà nước. Công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật được đẩy mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác bồi thường Nhà nước trên thực tế; hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã được quan tâm hơn, góp phần nâng cao hiểu biết, trình độ, năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức, người dân trong thực hiện các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc chỉ đạo, triển khai Luật đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện dưới những hình thức khác nhau, nhờ đó công tác bồi thường Nhà nước đã từng bước được thực hiện hiệu quả. Tính đến ngày 30-9-2013, các cơ quan Nhà nước các cấp đã thụ lý 247 vụ việc, trong đó, số vụ việc đã giải quyết xong là 167 vụ việc (chiếm tỷ lệ 67,6%). Trong lĩnh vực quản lý hành chính, số lượng vụ việc đã thụ lý là 107 vụ việc, số vụ việc đã giải quyết xong là 53 vụ việc (chiếm tỷ lệ 50%). Trong hoạt động tố tụng hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã thụ lý 124 vụ việc, số vụ việc đã giải quyết xong là 92 vụ việc (chiếm tỷ lệ 74%). Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Tòa án các cấp đã thụ lý 15 vụ và đã giải quyết xong 1 vụ, 4 vụ việc đang trong quá trình giải quyết. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, số vụ việc đã thụ lý là 33 vụ việc, trong đó đã giải quyết 17 vụ việc. Tổng số tiền giải quyết bồi thường là gần 54,5 tỷ đồng. So sánh giữa các lĩnh vực, thì tố tụng hình sự là lĩnh vực phát sinh nhiều yêu cầu bồi thường nhất. Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập nhất định, như: tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường chưa phản ánh đúng thực chất; người dân gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường; thủ tục giải quyết bồi thường còn nhiều bất cập; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm bồi thường hoặc chậm trễ trong việc giải quyết bồi thường; còn tình trạng chưa áp dụng đúng pháp luật để giải quyết bồi thường; xác định thiệt hại được bồi thường còn bất cập; việc chi trả tiền bồi thường còn chậm; việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đạt tỷ lệ thấp... Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để phù hợp với điều kiện thực tế, thực hiện và triển khai hiệu quả các nội dung, tinh thần mới của Hiến pháp 2013.
Kiều Ân