Dự hội thảo có đại diện Ban giám hiệu Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội; Trường Đại học Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Sở KHCN, Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Vĩnh Long…
Báo cáo tổng quan về ngành Cói Việt Nam của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho thấy: Toàn quốc có 26 tỉnh, thành sản xuất cói với tổng diện tích khoảng 13.800 ha, sản lượng mỗi năm đạt 100.000 tấn. Các tỉnh có diện tích cói nhiều là: Thanh Hóa, Ninh Bình, Vĩnh Long… Nhiều vấn đề được đề cập tại hội thảo như: Thực trạng sản xuất cói ở Việt Nam, đầu tư cho vùng cói, nước vùng cói, sâu bệnh hại, môi trường, công nghệ sau thu hoạch, thị trường tiêu thụ, sự liên kết giữa 4 nhà, cơ hội phát triển ngành Cói và các giải pháp để phát triển...
Báo cáo của đại diện Sở KHCN, Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình về thực trạng, giải pháp và chính sách đầu tư phát triển ngành cói nêu rõ: tình hình phát triển ngành Cói của tỉnh, thuận lợi và khó khăn, các giải pháp phát triển ngành Cói ở huyện Kim Sơn, cũng như chủ trương, chính sách phát triển ngành Cói của tỉnh.
Khách nước ngoài tham quan các sản phẩm làm từ cói. Ảnh: Đức Lam
Từ năm 1991 đến nay, nghề trồng và chế biến cói ở huyện Kim Sơn được phục hồi và phát triển. Sản xuất 1 ha cói hiện nay có giá trị gấp 2-3 lần so với 1 ha lúa, nếu qua chế biến giá trị này còn cao gấp 5 lần. Hàng năm, cói được xuất khẩu sang: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đoài Loan…, chiếm 70% giá trị xuất khẩu của huyện. Những năm gần đây, giá trị hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói đạt 108 tỷ đồng. Tỉnh Ninh Bình cũng đã có chủ trương phát triển và mở rộng nghề cói với việc ban hành Nghị quyết 04/NQ-TU: Quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng quỹ dự phòng rủi ro, hỗ trợ trực tiếp cho người trồng cói, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ xây dựng công trình giao thông, thủy lợi vùng cói, nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch cói…
Hội thảo cũng tập trung vào các vấn đề: Diện tích trồng cói có xu hướng giảm, giá cói thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh và nhất là công nghệ chế biến sau thu hoạch còn nhiều bất cập nên sản phẩm cạnh tranh thấp so với thị trường trong và ngoài nước. Hội thảo chia làm 2 nhóm thảo luận về các vấn đề trên, đi sâu vào các biện pháp, giải pháp, hợp tác phát triển ngành Cói.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (4 và 5-12), tổ chức chia thành các đoàn đi thăm: Công ty Nông nghiệp Bình Minh, Doanh nghiệp Đổi Mới, Doanh nghiệp cói Xuân Hòa...
Đinh chúc