Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thanh Túc, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên lãnh đạo huyện Kim Sơn; đại diện Viện dân tộc học- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và lãnh đạo huyện Kim Sơn.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo nêu rõ: huyện Kim Sơn được thành lập năm 1829, đây là kết quả của công cuộc khẩn hoang do Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ trực tiếp lãnh đạo. Ngày 5/4/2019, huyện Kim Sơn đã long trọng tổ chức kỷ niệm 190 năm ngày thành lập huyện.
190 năm hình thành và phát triển, ban đầu chỉ có 1260 dân đinh, với những công cụ thô sơ, trong thời gian khoảng 6 tháng, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã cùng các vị chiêu, nguyên, thứ mộ lãnh đạo cuộc khẩn hoang lập nên huyện Kim Sơn với 5 tổng. Với những biến cố thăng trầm của lịch sự, các thế hệ người Kim Sơn tiếp nối truyền thống của ông cha tiếp tục mở đất, chống chọi với thiên nhiên, đấu tranh với giặc ngoại xâm để giành độc lập, tự do và đang tiếp bước đi trên con đường đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Hướng tới kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Kim Sơn vào năm 2024, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu; xuất phát từ thực tiễn của huyện đã có 27/27 xã, thị trấn đã xuất bản được lịch sử đảng bộ, huyện cũng đã hoàn thành cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện 1947 - 2017; một số ngành, đoàn thể đã xuất bản sách lịch sử, truyền thông, viết biên niên quá trình hình thành và phát triển, đây là những nguồn tư liệu quý báu cho quá trình biên soạn cuốn "Địa chí huyện Kim Sơn".
Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thống nhất chủ trương, ban hành kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, ban biên soạn để tiến hành việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn sách "Địa chí huyện Kim Sơn", dự kiến xuất bản vào cuối năm 2023 đầu năm 2024. Dự thảo đề cương cuốn sách "Địa chí huyện Kim Sơn" gồm 6 phần lớn và phần phụ lục: Địa lý và dân cư; Lịch sử và truyền thống; Kinh tế; Văn hóa-Xã hội; các xã, thị trấn.
Tham gia vào Dự thảo đề cương cuốn sách "Địa chí huyện Kim Sơn", các đại biểu đều cơ bản đồng tình với dự thảo, đề nghị các nội dung cần thống nhất và tiếp thu các cuốn lịch sử của huyện đã ban hành, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung về bố cục cuốn sách, nội dung các chương, mục trong từng phần, phần phụ lục của cuốn sách…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh việc xây dựng cuốn sách "Địa chí huyện Kim Sơn" không chỉ giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được quá khứ, phục vụ việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa, các thành tựu kinh tế, xã hội của địa phương mà còn là cơ sở khoa học cho việc đề ra và thực hiện các chính sách, các giải pháp phục vụ cho việc phát triển bền vững của địa phương. Huyện Kim Sơn cũng là đơn vị đầu tiên cấp huyện của tỉnh biên soạn sách "Địa chí".
Để triển khai việc sưu tầm tư liệu, nghiên cứu tư liệu, biên soạn và xuất bản cuốn sách đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch, thì việc thống nhất đề cương, bố cục của cuốn sách là việc làm cực kỳ quan trọng; đồng thời cần làm rõ những nét đặc trưng nổi bật của huyện về trang sử khai hoang mở đất, chống giặc ngoại xâm và trong công cuộc đổi mới ngày nay, đặc điểm về dân cư và việc phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn…
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn tiếp thu tối đa ý kiến phát biểu tại hội thảo, ý kiến đóng góp trực tiếp vào dự thảo để bổ sung, hoàn chỉnh đề cương, làm cơ sở cho việc triển khai nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn sách "Địa chí huyện Kim Sơn".
Lê Chung (Văn phòng Tỉnh ủy)