Thông qua các bài viết, các ý kiến được chuẩn bị và trình bày tại hội thảo đã bổ sung nhiều thông tin, tư liệu quý báu về yêu cầu, nhiệm vụ, vai trò và những đóng góp to lớn của văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững của tỉnh trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Hội thảo đã làm sáng tỏ ở nhiều khía cạnh lý luận và thực tiễn, nhấn mạnh vào những vấn đề cốt lõi đặt ra đối với việc tạo ra nhận thức mang tính nền tảng cho việc khai thác văn hóa, con người Ninh Bình như một tài nguyên để phát triển. Trong các tham luận, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực văn hóa, lịch sử đã có những đánh giá toàn diện và sâu sắc về nguồn lực văn hóa, con người của Ninh Bình. Trong bài tham luận của mình, giáo sư, tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ rõ những ưu thế, truyền thống, nguồn lực của vùng đất cố đô "Ninh Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, truyền thống văn hóa đặc sắc bởi đây là vùng đất giao thoa giữa các khu vực Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ, cũng là vùng đất phù sa cổ ven chân núi đã tạo cho Ninh Bình nền tảng, ưu thế tự nhiên trong việc hình thành nền văn hóa đa dạng.
Đây cũng là vùng đất sớm chứng kiến, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc. Đồng thời, thiên nhiên cũng ưu đãi cho Ninh Bình nhiều thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng như Tam Cốc - Bích Động, Tràng An, động Thiên Hà, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long…
Vùng đất Ninh Bình còn là quê hương của nhiều danh nhân tiêu biểu trong lịch sử: Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Nguyễn Minh Không, Trương Hán Siêu… Đó chính là truyền thống, tài sản vô giá, không chỉ cho phát triển du lịch, mà còn là nguồn lực cho sự phát triển bền vững của Ninh Bình…". Nhắc đến nguồn lực văn hóa, con người Ninh Bình, đáng chú ý là tính cách người Ninh Bình cũng được làm rõ bởi những đặc trưng cơ bản của con người đất cố đô Hoa Lư.
Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, sự am hiểu về truyền thống lịch sử, con người, vùng đất cố đô, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chí Bền (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) đã gợi mở nội dung rất đáng quan tâm. Đó là "xưa nay các kinh đô thường là nơi nhào nặn tính cách con người, nơi thử thách con người rồi xuất hiện những nhân cách, biến thiên của lịch sử, thăng trầm của cuộc đời sẽ biến các kinh đô thành cố đô, nhưng con người cố đô vẫn là một thực thể khó phai nhạt".
Để minh chứng cho điều này, ông đã diễn giải: "Khác biệt cơ bản của vùng đất từng là kinh đô, cố đô so với các vùng đất khác chưa có vị thế địa-văn hóa, địa-chính trị như vậy là sự nhào nặn tính cách con người. Câu ca "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" để nói về tính cách người dân Ninh Bình…".
Bên cạnh đó, nguồn lực về văn hóa cũng được đề cập hết sức cụ thể trong các tham luận về "Một vài suy nghĩ về văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững" của Tiến sỹ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu (Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam), trong tham luận "Phát huy truyền thống lịch sử, nhân dân Ninh Bình vững bước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững trong giai đoạn cách mạng mới" của nhà nghiên cứu khoa học lịch sử Trương Đình Tưởng (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh)…
Được nhắc đến như một nhân tố quan trọng của sự phát triển bền vững của địa phương, thông qua các tham luận, các nhà khoa học, chuyên gia đã có những đánh giá sâu sắc, toàn diện về nguồn lực văn hóa, con người Ninh Bình qua các thời kỳ. Trên cơ sở đó đề xuất các mô hình, giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý Nhà nước về văn hóa ở địa phương, phát huy cao độ vai trò, hiệu quả của nguồn lực văn hóa trong quá trình phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Đưa ra những dự báo yêu cầu về nguồn nhân lực, đề xuất các mô hình, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực cả về phẩm chất, năng lực, số lượng với cấu trúc phù hợp để phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.
Nổi bật trong các nghiên cứu mà các nhà khoa học, các chuyên gia mang đến hội thảo còn thể hiện ở việc qua nghiên cứu, trao đổi đã làm rõ vị thế của Ninh Bình trong toàn bộ lịch sử quốc gia - dân tộc. Thông qua các tham luận như: "Vị trí của Vương triều Đinh trong lịch sử dân tộc" của Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), "Đóng góp của các bậc cao tăng vào sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, củng cố Nhà nước quân chủ" của Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Phạm Hùng (Đại học Quốc gia Hà Nội)… đã phân tích, chỉ ra vị trí địa-chính trị, địa-chiến lược của Ninh Bình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm rõ quá trình hình thành và bồi tụ, lan tỏa những giá trị truyền thống của quê hương Ninh Bình.
Từ đó, các tham luận đã chỉ ra và khẳng định cái khí chất "địa linh" của đất Đế đô một thuở và ngày nay vẫn tiếp tục là một trong những nguồn lực có ý nghĩa chiến lược của Ninh Bình trong lộ trình phát triển nhanh và bền vững. Phát triển nhanh và bền vững là mục tiêu bao trùm của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nói chung cũng như quê hương Ninh Bình hiện nay. Do đó, quan điểm phát triển bền vững là quan điểm và cách tiếp cận chung và nhất quán của hầu hết các bản tham luận tại hội thảo.
Từ đó, từng nguồn lực và tiềm năng phát triển của Ninh Bình đã được xem xét, đánh giá một cách cụ thể theo hướng tiếp cận liên ngành, chỉ ra được thế mạnh, hạn chế, cơ hội, thách thức của từng nguồn lực phát triển mà Ninh Bình đang sở hữu. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học, các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp mang tính chất chiến lược và cả những biện pháp cụ thể để phát huy giá trị của từng nguồn lực, tạo nên xung lực phát triển mới của tỉnh, để trong một tương lai không xa, Ninh Bình thực sự trở thành một điểm sáng trong phát triển nhanh về bền vững của cả nước và của khu vực Đông Nam á…
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đơn vị đồng chủ trì hội thảo cũng nhấn mạnh: "Việc chúng ta tổ chức hội thảo có nhiều ý nghĩa, đối với Ninh Bình nói riêng và với đất nước nói chung nhằm làm rõ một vấn đề, đào sâu một lĩnh vực nhưng cũng là một việc quan trọng chuẩn bị cho giai đoạn phát triển lâu dài, bền vững của Ninh Bình và đất nước.
Hội thảo là nỗ lực chung của các nhà khoa học, nhiều cơ quan khoa học ở Hà Nội cùng với các nhà khoa học và các sở, ban, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp ở Ninh Bình cùng khám phá những đặc trưng, giá trị của nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người của quê hương Ninh Bình đặt trong bối cảnh và yêu cầu của sự nghiệp phát triển bền vững của Ninh Bình, của cả nước, của khu vực và thế giới.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng bày tỏ hy vọng rằng tại hội thảo này và trong các bước đường tiếp theo, Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan khoa học khác sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững ngành du lịch ở Ninh Bình, để các giá trị của các di sản văn hóa và thiên nhiên đặc sắc của Ninh Bình lan tỏa trên nhiều vùng của cả nước và đến với bạn bè quốc tế trên khắp các châu lục. Nhờ thế mà giá trị và sức mạnh của nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người Ninh Bình sẽ được nhân lên gấp bội, thực sự trở thành một nguồn xung lực mạnh của tỉnh nhà trong quá trình phát triển nhanh và bền vững".
Trong bài phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh đã khẳng định: Hội thảo đã bước đầu đánh giá, phân tích khái quát những đặc trưng cơ bản về vai trò và những đóng góp to lớn của các giá trị văn hóa lịch sử, con người Ninh Bình ở mỗi vùng đất, địa phương trong tiến trình lịch sử quốc gia - dân tộc, đề cập và làm rõ tiềm năng, thế mạnh, cơ hội và thách thức trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người từ góc độ bền vững hay chưa bền vững, đưa ra các yêu cầu phát triển bền vững của Ninh Bình, nhưng cũng đã mở ra các hướng tiếp cận, nghiên cứu tiếp theo phù hợp với thực tiễn của tỉnh Ninh Bình để tiếp tục đổi mới tư duy, hành động thiết thực trong sự phát triển chung của đất nước trên cơ sở chủ động nắm bắt, tận dụng tốt lợi thế, khắc phục hạn chế, khó khăn và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực văn hóa, con người cho hoạt động phát triển toàn diện, đưa tỉnh Ninh Bình tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh, bền vững.
Ngay sau hội thảo, các bài tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo sẽ được Ban tổ chức Hội thảo tổng hợp, biên tập thành Kỷ yếu Hội thảo nhằm giúp cho các cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp, các nhà khoa học trong tỉnh có thêm cơ sở để nghiên cứu, tham mưu, hoạch định, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, đề xuất những mô hình, giải pháp cụ thể, đảm bảo tính khả thi cao trong đời sống xã hội, phục vụ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và quy hoạch phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất giá trị nguồn lực văn hóa và con người Ninh Bình. Đồng thời cung cấp thêm tư liệu phục vụ công tác biên tập các tài liệu tuyên truyền về văn hóa lịch sử và con người Ninh Bình.
Đồng thời, sau hội thảo khoa học các khuyến cáo nét nổi bật đặc trưng nhất của con người Ninh Bình và phương châm phát triển văn hóa gắn trong du lịch trong giá trị văn hóa, con người Ninh Bình. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành ngay Nghị quyết chuyên đề về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình trong thời kỳ hội nhập và phát triển", nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh. Đồng thời, trong thời gian tiếp theo, tỉnh Ninh Bình, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đẩy mạnh nhiệm vụ liên kết, hợp tác, tập trung vào những nội dung cụ thể trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo, nông nghiệp, du lịch, văn hóa.
Trước mắt, bắt tay đề xuất nghiên cứu ngay Đề tài khoa học cấp Quốc gia về "Nhà Đinh và không gian văn hóa Hoa Lư" để tiến tới 1.050 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/T.Ư của BCH Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Phan Hiếu