Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng khoa học đào tạo; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các Ban các cơ quan Trung ương và Đại học Quốc gia Hà Nội; các nhà khoa học tham luận tại Hội thảo; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh; các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc, mở đầu cho các hoạt động kỷ niệm 25 tái lập tỉnh và chào mừng Lễ hội Hoa Lư; hướng tới kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên của Việt Nam.
Hội thảo là một cuộc hội tụ, tập trung trí tuệ và tâm huyết của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương. Những đánh giá, kiến nghị, đề xuất tại hội thảo góp phần nghiên cứu một cách hệ thống, làm rõ hơn, sâu sắc hơn bản sắc văn hóa của vùng đất Ninh Bình, những giá trị văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp, tiêu biểu, những phẩm chất tốt đẹp của con người Ninh Bình.
Những đánh giá, khái quát tổng kết, nêu vấn đề sẽ là những gợi mở quan trọng để Ninh Bình có thêm kinh nghiệm, vận dụng trong lãnh đạo, quản lý đề ra những giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa các dân tộc bản địa Ninh Bình, gắn với hoạt động du lịch bền vững để xây dựng và phát triển Văn hóa con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới.
Với tinh thần mạnh dạn, cầu thị và chủ động, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với kiến thức uyên bác, những kinh nghiệm phong phú, lòng nhiệt tình và tâm huyết trong công tác sẽ phát biểu thẳng thắn, sâu sắc, đóng góp quý báu để cuộc hội thảo thành công tốt đẹp.
Báo cáo đề dẫn hội thảo do GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển trình bày khẳng định mục tiêu của hội thảo nhằm nghiên cứu, thảo luận, đánh giá toàn diện và sâu sắc về nguồn lực văn hóa của Ninh Bình, trên cơ sở đó đề xuất các mô hình, giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý nhà nước về văn hóa ở địa phương, phát huy cao độ vai trò hiệu quả của nguồn lực văn hóa trong quá trình phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Ninh Bình.
Hội thảo tập trung trao đổi nhằm làm rõ vị thế của Ninh Bình trong toàn bộ lịch sử quốc gia - dân tộc, thông qua đó, phân tích, chỉ ra vị trí địa - chính trị, địa - chiến lược của Ninh Bình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm rõ quá trình hình thành và bồi tụ, lan tỏa những giá trị truyền thống của quê hương Ninh Bình.
Đánh giá toàn diện, sâu sắc về nguồn lực văn hóa của Ninh Bình, trên cơ sở đó đề xuất các mô hình, giải pháp phát huy cao độ vai trò, hiệu quả của nguồn lực văn hóa trong quá trình phát triển nhanh và bền vững của Ninh Bình từ nay cho đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Trên cơ sở đó,đề xuất các mô hình, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực cả về phẩm chất, năng lực, số lượng với cấu trúc phù hợp để phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.
Cùng với đó, nghiên cứu, trao đổi, làm rõ những tiềm năng, những nguồn lực và các yêu cầu của quá trình phát triển bền vững của Ninh Bình. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để phát huy cao độ các nguồn lực, nhất là nguồn lực vị thế, nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người trong phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
Quang cảnh hội thảo.
Tại hội thảo, các báo cáo, tham luận của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực văn hóa, lịch sử ở Trung ương cùng một số nhà khoa học về văn hóa, lịch sử địa phương tham gia đã tập trung nghiên cứu, đánh giá toàn diện và sâu sắc, làm rõ 3 vấn đề quan trọng về: Truyền thống lịch sử - văn hóa quê hương; Văn hóa, nguồn lực và con người Ninh Bình; Lãnh đạo quản lý, chính sách, quy hoạch phát triển bền vững của Ninh Bình.
Từ đó, các đại biểu cũng đã thảo luận, đề xuất những ý tưởng, gợi ý đối với tỉnh Ninh Bình để phát huy cao độ các tiềm năng, nguồn lực về văn hóa, con người đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: các ý kiến phát biểu trực tiếp đầy trách nhiệm tại Hội thảo đã bổ sung nhiều thông tin, tư liệu quý báu về yêu cầu, nhiệm vụ, vai trò và những đóng góp to lớn của văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững của tỉnh trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.
Hội thảo đã đánh giá, phân tích khái quát những đặc trưng cơ bản về vai trò và những đóng góp to lớn của các giá trị văn hóa lịch sử, con người Ninh Bình ở mỗi vùng đất, địa phương trong tiến trình lịch sử quốc gia - dân tộc.
Đồng thời, đề cập và làm rõ tiềm năng, thế mạnh, cơ hội và thách thức trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người từ góc độ bền vững hay chưa bền vững, từ đó đưa ra các yêu cầu phát triển bền vững của Ninh Bình, mở ra các hướng tiếp cận, nghiên cứu tiếp theo phù hợp với thực tiễn của tỉnh Ninh Bình để tiếp tục đổi mới tư duy, hành động thiết thực trong sự phát triển chung của đất nước.
Đồng chí trân trọng tiếp thu và cảm ơn những ý kiến phát biểu sâu sắc, đầy tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí đại biểu, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực văn hóa, lịch sử ở Trung ương và địa phương.
Đồng thời đề nghị các cơ quan có liên quan tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tập hợp các bài tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp, biên tập thành Kỷ yếu Hội thảo nhằm giúp cho các cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp, các nhà khoa học trong tỉnh có thêm cơ sở để nghiên cứu, tham mưu, hoạch định, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, đề xuất những mô hình, giải pháp cụ thể, đảm bảo tính khả thi cao trong đời sống xã hội, phục vụ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và quy hoạch phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất giá trị nguồn lực văn hóa và con người Ninh Bình. Đồng thời cung cấp thêm tư liệu phục vụ công tác biên tập các tài liệu tuyên truyền về văn hóa lịch sử và con người Ninh Bình.
Sau Hội thảo khoa học, sẽ khuyến cáo và nghiên cứu nét nổi bật đặc trưng nhất của con người Ninh Bình và phương châm phát triển văn hóa gắn trong du lịch trong giá trị văn hóa, con người Ninh Bình.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành ngay Nghị quyết chuyên đề về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình trong thời kỳ hội nhập và phát triển", nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.
Trong thời gian tiếp theo, tỉnh Ninh Bình, Đại học quốc gia Hà Nội sẽ đẩy mạnh nhiệm vụ liên kết, hợp tác, tập trung vào những nội dung cụ thể trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo, nông nghiệp, du lịch, văn hóa.
Trước mắt, triển khai Đề tài khoa học cấp Quốc gia về "Nhà Đinh và không gian văn hóa Hoa Lư" để tiến tới 1.050 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Thùy Phương- Thế Minh