Dự hội thảo có các đồng chí: PGS, Tiến sĩ Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phan Tiến Dũng, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trung tướng Nguyễn Hùng Phong, nguyên Phó Tư lệnh chính trị, nguyên Bí thư Đảng ủy Quân khu I; PGS, Tiến sĩ Hồ Tố Lương, Trưởng phòng Tư liệu - Phương pháp, Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Huyện ủy Yên Mô, lãnh đạo xã Yên Mỹ và đại diện gia đình đồng chí Tạ Uyên…
Đồng chí Tạ Uyên sinh năm 1898, trong một gia đình nông dân tương đối khá giả tại làng Côi Trì, huyện Yên Mô. Thuở nhỏ được học hành chu đáo và đã đỗ khóa sinh năm 18 tuổi. Tháng 10 năm 1927, chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội huyện Yên Mô ra đời tại làng Côi Trì (nay thuộc xã Yên Mỹ), đồng chí Tạ Uyên được cử làm Bí thư. Ngày 19 tháng 11 năm 1929, đồng chí bị địch bắt khi đang trên đường đi công tác, bị đưa về nhà lao Ninh Bình và sau đó bị địch xử 15 năm tù khổ sai, đày đi biệt xứ. Tháng 6/1930, địch đưa đồng chí Tạ Uyên cùng một số đồng chí khác đày đi Côn Đảo. Sau khi vượt ngục thành công, về được đất liền, đồng chí Tạ Uyên được Đảng phân công về hoạt động ở vùng Hậu Giang, sau đó về Bạc Liêu... Cuối tháng 7 năm 1940, đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tháng 11 năm 1940, đồng chí bị địch bắt và đã anh dũng hy sinh tại nhà giam lớn Sài Gòn…
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc biên soạn, biên tập cuốn sách về đồng chí Tạ Uyên, sau một thời gian sưu tầm, nghiên cứu biên soạn, biên tập và gửi bản thảo xin ý kiến góp ý của các đồng chí lãnh đạo, các nhà nghiên cứu và các cơ quan liên quan, đến nay bản thảo cuốn sách đã hoàn thành. Cuốn sách gồm có lời giới thiệu, lời nói đầu, kết luận và 4 chương: Chương 1 - Truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương và gia tộc; Chương 2 - Giác ngộ và hoạt động cách mạng ở Ninh Bình; Chương 3 - Những năm tháng bị giam cầm tại Nhà tù Côn Đảo và Chương 4 - Hoạt động cách mạng ở Nam Bộ.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu là các nhà nghiên cứu lịch sử, các đồng chí nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện gia đình đồng chí Tạ Uyên, đại diện Huyện ủy Yên Mô, xã Yên Mỹ … đã nêu ý kiến, bổ sung về một số vấn đề, nội dung trong cuốn sách, như tên cuốn sách, tiêu đề các chương, về ngày mất, số người thân của đồng chí Tạ Uyên, những tư liệu lịch sử chưa chính xác, những câu chữ còn chưa hợp lý, rõ ràng… để làm rõ những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong bản thảo lần thứ nhất, từ đó đi đến thống nhất về các số liệu, tư liệu, các phần trong cuốn sách…, để hoàn chỉnh cuốn sách trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cảm ơn những ý kiến, đóng góp của các đồng chí lãnh đạo, các nhà nghiên cứu lịch sử, các đồng chí trong Ban biên soạn, Ban BBT cuốn sách đã quan tâm, dày công dành thời gian nghiên cứu, sưu tầm, khẳng định đây là công trình khoa học nêu bật được những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tạ Uyên, không chỉ là niềm tự hào của tỉnh Ninh Bình mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thông qua đó giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ… Tri ân với những công lao to lớn của đồng chí Tạ Uyên, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí tại xã Yên Mỹ (Yên Mô), đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành, sắp tới sẽ cắt băng khánh thành.
Với những ý kiến đóng góp chân tình, cởi mở và thẳng thắn của các đại biểu tại hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và cảm ơn, đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp thu, chỉnh sửa, biên tập, đảm bảo cuốn sách chất lượng, tôn trọng lịch sử. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn rằng, dù còn có những khó khăn về tư liệu, hình ảnh của đồng chí Tạ Uyên, nhưng với sự đầu tư về trí tuệ, tinh thần làm việc nghiêm túc, nhiệt tình của các đồng chí trong Ban biên soạn, BBT cuốn sách, các nhà nghiên cứu lịch sử…, phấn đấu đến cuối năm âm lịch sẽ xuất bản cuốn sách.
Mỹ Hạnh